Hoa Không Nở Ở Nơi Đã Gieo Hạt - Lời Dạy Của Thiền Sư Dành Cho Những Phút Giây Mệt Mỏi Giữa Cuộc Đời
Bản thân mà ta trân quý với “hình mẫu bản thân mong muốn trở thành” thực chất là gì?
Mơ ước và kỳ vọng của bản thân có thực sự quan trọng đến thế?
Cảm xúc chi phối ta hay ta là chủ của cảm xúc?
Ý nghĩa của việc sống với hiện tại là gì?
Những câu hỏi trên tuy đơn giản nhưng thực sự lại không dễ để đưa ra câu trả lời. Cuộc đời dẫu dài rộng nhưng cuối cùng cũng chỉ gói gọn trong những câu hỏi về nhân sinh như thế. Hãy đọc Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt, không cần tìm ở đâu xa, câu trả lời nằm ngay ở trong đó
Bạn cảm thấy mệt mỏi chán chường trong cuộc sống,
Bạn tìm cách giải quyết phiền não bằng mọi tri thức tích lũy được trên đời,
Nhưng sự việc không thuận buồm xuôi gió.
Hãy kiên trì, dành thật nhiều thời gian công sức,
Nhìn nhận tình trạng hiện tại bằng ánh mắt điềm nhiên,
Để suy nghĩ cụ thể, tìm ra hướng đi của cuộc đời.
Đây là một cuốn sách của sự thật. Một sự thật mà chúng ta thường không nhận ra trong cuộc sống hào nhoáng: trong nhiều trường hợp, mong cầu thực tế chỉ là những điều trong tầm tay và rất đỗi bình thường. Nếu chẳng may bạn đang loanh quanh mong cầu một “nơi để thuộc về”, chỉ còn cách hoặc tự mình tìm kiếm, hoặc nỗ lực biến nơi đã định trở thành vùng trời bình yên của chính mình. Và thậm chí, không có cả “ước mơ” lẫn “kỳ vọng” vẫn có thể an nhiên!
Nếu hiểu vậy thì khi mệt mỏi giữa cuộc đời, tự khắc sẽ buông thư được mọi thứ, từ bỏ được chấp niệm về bản thân và cuộc sống. Hoa không cần nở ở nơi đã gieo hạt. Con người, chỉ cần hiểu điều này, dù đang ở “nơi bị đặt vào” đi chăng nữa, vẫn đủ sức tìm kiếm sự yên bình trong tâm hồn.
Tác giả:
Jikisai Minami sinh năm 1958 tại tỉnh Nagano, Nhật Bản. Là một Thiền sư, Trụ trì Thiền viện Bồ Đề Tự (Bodaiji) núi Osore (Osoreze) thuộc tỉnh Aomori và Linh Tuyền Tự.
Thiền sư Jikisai Minami là tác giả của nhiều tác phẩm sách về Phật giáo, như “Khủng Sơn, nơi ở của những linh hồn khuất mặt” (NXB Shinchosha), “Căn cứ của cái Thiện”, “Nhập môn Phật giáo” (NXB Kodansha), “Luyện tập cái chết” (NXB Takarajimasha)…
Trích dẫn sách:
“Hãy nở hoa tại nơi đã gieo hạt” là câu nói chứa đựng nhiều lầm tưởng, bởi “nơi gieo hạt trong hiện tại” và “mầm non chính mình” là những tồn tại giả tạm vô thường.
Tiếp nhận vô điều kiện giá trị quan từ “ai đó”, gượng ép bản thân ra hoa kết quả trên mảnh đất chỉ là cõi tạm, nhìn từ quan điểm Phật pháp mà nói, là điều thật hoang đường.
Hoa không cần nở ở nơi đã gieo hạt.
Chỉ là, tùy vào cách gieo trồng mà có khi cũng ra hoa kết quả.
Con người, chỉ cần hiểu điều này, dù đang ở “nơi bị đặt vào” đi chăng nữa, vẫn đủ sức tìm kiếm sự yên bình trong tâm hồn.
(Trích Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt)
Đối với con người chúng ta, không có việc gì trọng đại hơn cái chết. Nếu nhận ra được điều này, hẳn bạn hiểu rõ những tranh đấu và thỏa hiệp mà bản thân đang nhọc nhằn vật lộn đến kiệt sức thật ra chỉ là một phương diện rất nhỏ trong sự tồn tại của nhân sinh.
Điều bản thân có thể quyết định không gì khác ngoài sự liên hệ cùng người khác. Đừng nghĩ “làm gì đó cho bản thân mình”, hãy nghĩ rằng đang làm “vì ai khác”, điều này không có nghĩa là bất luận việc gì cũng nhất nhất làm theo kẻ khác, mà là chia sẻ vấn đề cùng người khác và tìm ra giải pháp. Lưu ý không phải “việc muốn làm”, hãy làm “việc nên làm”. Mục đích của kiếp nhân sinh chính là đây.
…
Hãy rời khỏi mộng tưởng về một “cá nhân quan trọng”, “là chính bản thân mình” rồi thì “sống để thực hiện ước mơ”, việc tìm ra sự tồn tại của chính mình trong sự liên hệ cùng người khác mới là quan trọng và đáng làm.
Nếu làm được những điều trên thì mỗi ngày trôi qua của kiếp nhân sinh, bạn hoàn toàn nghĩ được rằng “Sống cũng là việc không tồi” và “Thật tốt vì được sống”.
(Trích Hãy nghĩ rằng “Sống cũng không tồi!)
Nếu vẫn chưa thể gắng gượng đứng dậy từ nỗi đau thương, không cần cố gắng quá sức đứng dậy làm gì. Dù ai nói ngả nói nghiêng, hãy buồn khi bạn muốn buồn.
…
Dù con tim đang bị nhấn chìm giữa vực thẳm bi thương, chỉ cần thân thể vẫn còn muốn sống, đó là một dấu hiệu tốt.
Và chỉ cần còn muốn sống, hãy khóc khi muốn khóc, buồn khi muốn buồn, một ngày nào đó, khoảnh khắc bất chợt cất tiếng cười nhất định sẽ đến. Dù không thể biết rõ khoảnh khắc đó là khi nào, nhưng nó nhất định sẽ đến.
(Trích Khi buồn thì hãy cứ buồn, sẽ đến lúc tìm lại được nụ cười)
Mục lục
Chương 1: Bản thân mà bạn trân quý ấy, thật sự là gì nhỉ?
Hãy từ bỏ việc “xem trọng chính mình”
Không cần thiết phải tìm ra “ý nghĩa cuộc đời
Phiền não của chúng sanh chỉ nảy sinh trong mối quan hệ giữa người và người
Không thể trở thành “hình mẫu bản thân mong muốn” cũng chẳng sao!
Đừng làm vì chính mình, hãy làm vì ai đó!
Ngoài “sinh tử” thì chẳng có gì quan trọng cả!
Việc con người phán đoán được thực chất chỉ là những “điều vặt vãnh” của nhân sinh
“Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt”
Khởi đầu từ vùng đất “Đời người vốn là vô nghĩa”
Không có 99% thông tin cũng chẳng sao!
Đời người, tiêu cực là lẽ đương nhiên!
Chương 2: Quẳng gánh lo mang tên “mơ ước” và “kỳ vọng”
Không có cả “ước mơ” lẫn “kỳ vọng” vẫn có thể an nhiên
Tuyệt đối phải nhìn “ước mơ” và hình ảnh “bản thân theo đuổi giấc mơ” qua ánh mắt lạnh lùng, lãnh đạm!
Suy nghĩ về “khao khát và mong muốn” chính là lúc cảm thấy bất an nhất
“Lẽ sống” hay “cảm giác muốn làm” hoàn toàn không cần thiết
Hãy quyết định chủ đề cho cuộc đời, rồi cứ thế đánh cược và tiến bước
Hãy nghĩ rằng “Sống cũng không tồi!”
Chương 3: Đừng để bị cảm xúc chi phối
Các mối quan hệ độc hại không thể chữa lành bằng tình yêu và nỗ lực
Cảm xúc dù có dao động cũng không sao
Trang bị kỹ năng rút lui khỏi làn sóng cảm xúc
Đừng cố đưa ra “đáp án” ngay lập tức
Phẫn nộ chẳng giải quyết được vấn đề
“Ghen ăn tức ở” đơn thuần là cảm xúc sinh ra từ ảo tưởng
Khi cơn giận dữ tràn ngập tâm tư, hãy tập trung vào những việc lặp đi lặp lại mỗi ngày
Các mối quan hệ xã hội hay tình bạn đều không cần thiết
Nói ra “cảm xúc thật sự” sẽ cứu rỗi tâm hồn
Hãy thể hiện sự quan tâm và thông cảm mỗi ngày, nhất là với gia đình!
Tạo “mối quan hệ lỏng lẻo” với người có thể bộc bạch nỗi lòng
Tìm được vị tăng giúp bạn trút nỗi lòng giống như tìm được “danh y” chữa bệnh
Chương 4:Sống với hiện tại là để hướng về cõi tử
Có một nơi an ủi khi nỗi buồn dâng trào
Vẫn có thể ôm ấp nỗi ân hận mà sống tiếp
Khi buồn thì hãy cứ buồn, sẽ đến lúc tìm lại được nụ cười
Hãy tha thứ cho việc đã thứ tha!
Chấp nhận nỗi buồn bị giấu kín là đón nhận sự ra đi của những người thân yêu nhất
Từ bỏ chấp niệm về bản thân
Người có lương duyên ắt đón được giây phút cuối bình yên, an lạc
Không cần cố để vượt qua cái chết
Lo lắng cho “thế giới bên kia” hơn “thế giới này” là một sai lầm
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi