Hoa Nở Trong Đêm
Cuốn sách Hoa nở trong đêm lần đầu tiên ra mắt vào năm 2021 ở phiên bản tiếng Anh với tựa đề Flowers in the Dark: Reclaiming Your Power to Heal from Trauma with Mindfulness. Cuốn sách đã nhận được nhiều lời tán dương từ độc giả.
Hoa nở trong đêm lần đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, được chính tác giả - sư cô Chân Đẳng Nghiêm chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cuốn sách mở ra một con đường giúp những nạn nhân sống sót sau sang chấn (đặc biệt nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục) được chữa trị những thương tổn và có khả năng phục hồi, thông qua Năm Giới Quý Báu của truyền thống Làng Mai, một hệ thống chứa đựng năm nguyên tắc hỗ trợ quá trình trị liệu sang chấn tâm lý – Bảo Vệ Sự Sống, Hạnh Phúc Chân Thật, Tình Thương Đích Thực, Ái Ngữ và Lắng Nghe, Nuôi Dưỡng và Trị Liệu.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ được tìm hiểu những câu chuyện hồi phục của những nạn nhân sống sống sau sang chấn tâm lý và đặc biệt, câu chuyện “hồi sinh” sau chấn thương tâm lý thời thơ ấu của chính tác giả - Sư cô Chân Đẳng Nghiêm – người được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt và cũng đã vươn lên nghịch cảnh để “sống đẹp”, với tâm nguyện “những người trải qua chấn thương tâm lý, nhất là những người từng bị lạm dụng tình dục như tôi, có cơ hội học được nhiều phương cách chế tác nguồn sức mạnh nội tâm”.
Những con người xa lạ với chủng tộc, nền văn hóa, gia đình, tính cách khác nhau, nhưng đều đã tìm thấy sự chữa lành, hồi phục từ Giáo lý và Pháp môn quý báu của Làng Mai.
Những con người đã “hồi phục năng lực trị liệu sang chấn tâm lý bằng chánh niệm”.
“Thênh thang nẻo về
Có vòng tay nào rộng hơn vòng tay của
Vũ trụ?
Có tình thương nào bao la bằng tình thương của
Mẹ Quan Thế Âm?
Có trí tuệ nào bừng sáng như trí tuệ của
Bậc tỉnh thức?
Có giải thoát nào triệt để bằng
Giải thoát của tâm?”
Lời khen tặng dành cho Hoa nở trong đêm (Flowers in the Dark)
“Thật là một cuốn sách sâu sắc và đầy hy vọng! Cuốn sách đém đến tri thức thực tế tốt nhất cho những trải nghiệm tồi tệ nhất của cuộc sống. Sư cô Đẳng Nghiêm đã kết hợp khoa học thần kinh về chấn thương, các phương pháp điều trị hiệu quả và những hiểu biết sâu sắc của quá trình rèn luyện chánh niệm. Lối viết của sư cô rõ ràng và chân thành đến nỗi bạn cảm thấy được an ủi và được hỗ trợ bởi sự hiện diện của sư cô trên từng trang sách. Một cuốn sách tuyệt đẹp và rất đáng để đọc.”
— Rick Hanson, Tiến sĩ, tác giả của Buddha's Brain: The Practical Neuroscience of Happiness, Love, and Wisdom
“Thông qua câu chuyện của chính mình và của nhiều người khác, sư cô Đặng Nghiêm đã đưa đến một con đường để chữa lành những sang chấn từ nạn lạm dụng tình dục trẻ em thông qua chánh niệm… một con đường cho phép những người sống sót lấy lại tuổi thơ của mình, tiến về phía trước trong cuộc sống của họ và chữa lành những vết thương rất sâu. Một cuốn sách mà mọi nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trẻ em nên đọc. Thật sự lay động và sâu sắc.”
— James R. Doty, Tiến sĩ Y khoa, người sáng lập và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Giáo dục về Lòng nhân ái và vị tha (CCARE) tại Trường Y khoa Đại học Stanford và là tác giả bán chạy nhất của tờ New York Times với cuốn sách Into the Magic Shop: A Neurosurgeon’s Quest to Discover the Mysteries of the Brain and the Secrets of the Heart
MỤC LỤC:
PHẦN 1: CHẤN THƯƠNG VÀ TRỊ LIỆU
Chương 1: Bắc cây cầu chánh niệm
Chương 2: Nẻo ra tùy thuộc lối vào nội tâm
PHẦN 2 : NĂM SỨC MẠNH
Chương 3: Niềm tin là sức mạnh
Chương 4: Tinh tấn là sức mạnh
Chương 5: Chánh niệm là sức mạnh
Chương 6: Định tâm là sức mạnh
Chương 7: Hiểu biết là sức mạnh
PHẦN 3: NĂM GIỚI QUÝ BÁU LÀ NGUỒN SỨC MẠNH
Chương 8: Bảo Vệ Sự Sống
Chương 9: Hạnh Phúc Chân Thực
Chương 10: Tình Thương Đích Thực
Chương 11: Ái Ngữ và Lắng Nghe
Chương 12: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu
Chương 13: Phục hồi quyền lực
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
“Nếu ta mất người thân và chìm đắm trong nỗi buồn, trong quên lãng, có lẽ ta không ý thức rằng ta đang vô tình làm họ thực sự chết đi. Mỗi khi nhớ đến người thương, ta chỉ liên kết họ với sự mất mát và cái chết tang thương. Họ tồn tại trong quá khứ, hoàn toàn vắng bóng trong hiện tại. Trên hành trình tâm linh, ta học giúp người thương tiếp tục sống đẹp, có ý nghĩa. Tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ ơi, con đang sống đẹp và bình an cho mẹ đây. Trong ba mươi sáu năm, mẹ không có thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Mẹ làm việc quần quật, lo lắng cho gia đình. Con thiền hành cho mẹ, con sống nhẹ nhàng cho mẹ, vì mẹ có trong con”.
Đôi khi, nỗi đau của ta rất phức tạp. Cha mẹ có thể đã không đáp ứng được mong đợi của ta. Ta nuối tiếc, nhớ thương và đồng thời căm hận họ. Trong thiền định, ta nhìn nhận sự thật mà không trốn tránh hoặc bị cuốn vào quá khứ, tư duy, cảm xúc. Ta đưa tâm về hiện tại, nơi sự sống có thật và ta có quyền lựa chọn suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.Đúng với giáo lý Tương tức, quá khứ và tương lai đều tồn tại trong hiện tại. Ta không cần chạy về quá khứ hoặc tìm đến tương lai. Neo tâm vào hiện tại, ta thấy rõ những gì cần làm và tránh những điều không cần thiết. Khó khăn của ta phát xuất từ khó khăn của cha mẹ và tổ tiên. Họ không thể mang lại sự bảo bọc, ổn định và đồng cảm cho ta, vì họ không xử lý được buồn đau của họ. Đó là tại sao ta tiếp tục chạy trốn hoặc chìm đắm trong tuyệt vọng và bất lực của họ. Ôm lấy đứa bé bị tổn thương bên trong, ta nhận ra cha mẹ mình cũng là những đứa bé yếu đuối, mong manh và bị tổn thương. May mắn thay, Năm Loại Sức Mạnh – tín, tấn, niệm, định và tuệ – giúp ta chữa trị đồng thời bản thân và cha mẹ cũng như tổ tiên trong chính ta. “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”.
- Trích Chương 7: Hiểu biết là sức mạnh
“Hằng ngày, tôi thực tập thiền hành mỗi khi di chuyển. Dấu hiệu cho thấy tôi đang thiền hành là ý thức về hơi thở và bước chân mình. Một biểu hiện khác là khả năng nhìn nhận ra những điều thú vị, xinh đẹp trên đường. Để đạt được hạnh phúc, ta cần huấn luyện bản thân nhận ra những điều tốt đẹp và đơn giản xung quanh. Nếu không, hạnh phúc trở thành mục tiêu không thể đạt, luôn là củ cà rốt treo trước mũi con lừa, không bao giờ có thể với tới. Luôn có điều trước mắt ta, cuốn hút nhưng lẩn tránh ta. Khi trải qua những vết thương tâm lý, ta thường chỉ tập trung vào những bi kịch quá khứ. “Tâm như họa sư”, tâm là họa sĩ. Nếu họa sĩ chỉ sử dụng màu sắc tối tăm, bức tranh sẽ ảm đạm và u ám. Hạnh phúc chân thực tươi sáng, hiền hòa xinh đẹp, ngay bây giờ và ở đây, bên trong và xung quanh chúng ta. Ta cần tập khả năng nhìn nhận và biết ơn những điều ta vẫn có, không phải những điều ta đã mất hoặc không thể có được.
Hạnh phúc chân thực cũng đồng nghĩa với biết đủ, sống giản dị và không tích lũy vật chất. Ta không đầu tư quá nhiều năng lượng vào tương lai, không bị mắc kẹt trong niềm tin sai lầm rằng chỉ thành công mới mang lại hạnh phúc. Thay vào đó, ta nhận ra và chăm sóc những điều kiện hạnh phúc ở hiện tại, từ đó có thêm năng lượng và tự tin để trải nghiệm hạnh phúc trong sự sống.
Sư Ông Làng Mai thường nhấn mạnh: “Người tu phải có khả năng chế tác niềm vui và hạnh phúc bất cứ lúc nào họ muốn”. Tôi tạo ra hạnh phúc chân thực bằng chánh niệm, chánh định và chánh kiến rằng tôi còn sống, không còn là đứa trẻ bất lực, không còn là nạn nhân. Tôi có khả năng chăm sóc mình, đối mặt với quá khứ, hiện tại và tương lai mà không sợ hãi hoặc lo âu. Tôi được nhiều người quan tâm, yêu thương và yểm trợ. Tôi có cơ hội chia sẻ sự tu học của mình và giúp người khác trị liệu. Biết ơn mình và biết ơn đời mang lại rất nhiều hạnh phúc!”
- Trích Chương 9: Hạnh Phúc Chân Thực
“Chúng ta mang theo những hạt giống khổ đau và chúng ta cũng mang theo những hạt giống trị liệu. Với niềm tin, sự tinh tấn, niệm, định và tuệ, chúng ta tạo ra điều kiện để những đóa hoa hòa bình nở rộ, ngay cả trong đêm tối. Thế giới đầy những khoảnh khắc nguy hiểm nhưng tình thương cũng luôn luôn tồn tại khắp nơi khi chúng ta kiên trì tu học, không để mình mất hút trong bi kịch cuộc đời. Phẩm chất của vị Bồ Tát hiện diện trong từng chúng ta, đang chờ để nở hoa”.
- Trích Chương 13: Phục hồi quyền lực
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi