Làm Đĩ
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là nhà báo, nhà văn và cây bút tiêu biểu trong dòng văn học hiện thực Việt Nam, dù những tác phẩm của ông cũng dấy lên nhiều tranh cãi, thậm chí là có thời điểm bị cấm lưu hành nhưng không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật từ những tác phẩm vượt thời gian của ông. Nhắc về ông, Lưu Trọng Lư có nói “Trên trang viết Vũ Trọng Phụng sắc sảo bao nhiêu thì trong cuộc đời Vũ Trọng Phụng càng chân thành bấy nhiêu. Con người ấy không giết quá một con muỗi. Nhưng thật kì diệu, văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh.”
Làm Đĩ là một tiểu thuyết được viết vào năm 1936 và xuất bản vào năm 1937. Làm đĩ kể về nhân vật Huyền qua bốn giai đoạn trong cuộc đời tương đương bốn chương Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc. Khép lại tiểu thuyết là một lời thức tỉnh về tầm quan trọng và trách nhiệm của vấn đề đạo đức và giáo dục giới tính giữa thời buổi giao thời và xã hội loạn dâm bấy giờ.
Làm Đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm. Sở dĩ tác giả không theo phái người ưa văn hoa bay bướm gọi cái sự ấy là ái tình, không theo hạng người rụt rè gọi là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác giả có quan niệm rất chắc chắn rằng cái sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh hồn, chia nó ra làm hai cũng được, gồm nó vào làm một lại càng đúng lẽ sinh lý, hai cái điều hòa tương trợ lẫn nhau, và khi sự khao khát của xác thịt có thỏa mãn thì ái tình tinh thần mới bền chặt được. Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền.”
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.