1. Trang Chủ
  2. //
name
Nhà Cung Cấp: alpha books
Nhà Xuất Bản:
Số Trang: 800
Năm Xuất Bản: 2022

Giới Thiệu Sách

Với phần đa độc giả Việt Nam, hiểu biết về Trung Đông vẫn còn dừng ở một ấn tượng mơ hồ về sa mạc, dầu mỏ, chiến tranh, sự giàu có... Tuy nhiên, quá khứ, lịch sử của vùng đất này ra sao trong hành trình lịch sử chung của nhân loại? Những giá trị nào của nền văn minh này đã và đang hiện diện trong đời sống của chúng ta mà ta chưa hay biết? Đã từng tồn tại những nền văn minh, những đế chế cổ-trung đại nào ở vùng đất này?...

“Lawrence xứ Ả-Rập: Chiến tranh, thủ đoạn, sự điên rồ của đế quốc và quá trình hình thành Trung Đông hiện đại” là tác phẩm của nhà văn và phóng viên chiến trường người Mỹ Scott Anderson, sẽ góp phần làm sáng tỏ câu chuyện về sự hình thành của Trung Đông hiện đại, và từ cái nhìn sâu vào quá trình đó giúp ta hiểu được những vấn đề hiện tại họ đang đối mặt.

Thomas Edward Lawrence hay ''Lawrence xứ Ả-rập'' là một sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng với vai trò trong Cuộc nổi dậy của Ả-rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 - 1918. Lawrence vừa là chứng nhân vừa là người tham dự trong một số sự kiện quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành Trung Đông hiện đại.

Cuốn sách “Lawrence xứ Ả-Rập” của Anderson sẽ tập trung vào T.E. Lawrence trong câu chuyện giữa anh và ba nhân vật khác, những người đại diện cho các thế lực ở Trung Đông trong Thế chiến I.

. Một nhà khảo cổ được quân đội Anh tuyển mộ;

. Một quý tộc thất thế, sĩ quan tình báo duy nhất của Mỹ ở Trung Đông trong Thế chiến I;

. Một học giả trẻ người Đức ngụy trang dưới vỏ bọc Ả-rập đề phát động chiến tranh;

. Một nhà khoa học Do Thái với mục tiêu thiết lập mạng lưới gián điệp chống Ottoman.

Bốn nhân vật lịch sử trên sẽ lần lượt tham gia vào những trò chơi ngầm phức tạp và các cuộc đối đầu tay đôi, từ đó giúp kiến tạo Trung Đông hiện đại, định hình nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Phạm vi rộng hơn này cũng cho phép Anderson truy tìm nguồn gốc của những rạn nứt chính trị ngày nay, bao gồm xung đột Ả-rập - Do Thái, chủ nghĩa Hồi giáo và vai trò của ngành dầu khí ở Trung Đông.

“Lawrence xứ Ả-Rập” là một trong những cuốn sách lịch sử khách quan, toàn diện, dễ đọc và có ảnh hưởng nhất về lịch sử Trung Đông; một tài liệu tham khảo thiết thực cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm đến lịch sử Trung Đông nói riêng, lịch sử thế giới nói chung. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mở đầu cho Tủ sách Lịch sử Trung Đông của Omega Plus.

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA

 “Thật hấp dẫn ... Anderson thể hiện hiểu biết tuyệt vời về tình hình chính trị của khu vực, cùng một sự đánh giá kỹ lưỡng về bản thân Lawrence... Một đóng góp giàu chất xám cho kho tài liệu về Lawrence” - Max Hastings, Sunday Times

“Lawrence xứ Ả Rập là một cuốn sách hấp dẫn. Đây là tác phẩm hay nhất về lịch sử quân sự gần đây và một phân tích mang tính khai sáng về các vấn đề vẫn còn tồn tại ngày nay.” - New York Times

“Anderson đã làm nên một kiệt tác độc nhất về một chủ đề không dễ được hoan nghênh và biến nó thành một tác phẩm đầy mê hoặc.” - Jan Morris, Daily Telegraph

TRÍCH ĐOẠN HAY

[Ngày nay, hơn bảy thập kỷ sau khi anh qua đời, và gần một thế kỷ kể từ khi kỳ tích của anh khiến anh nổi tiếng, Thomas Edward Lawrence – hay “Lawrence xứ Ả-rập,” cái tên được biết đến nhiều hơn – là một trong những nhân vật bí ẩn và gây tranh cãi nhất của thế kỷ 20. Mặc dù đã có rất nhiều tiểu sử, vô số nghiên cứu học thuật, và ít nhất là ba bộ phim, trong đó có một bộ phim được coi là kiệt tác điện ảnh, các nhà sử học không bao giờ hoàn toàn quyết định được phải khắc họa như thế nào về chàng học giả Oxford trẻ tuổi rụt rè tham chiến ở tiền tuyến với một đội quân Ả-rập và thay đổi lịch sử.

Một lý do cho sự tranh cãi về độ chính xác của trí nhớ của anh có liên quan đến địa lý của nơi anh đã đi qua. Lawrence vừa là nhân chứng vừa là người tham dự trong một số sự kiện quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành Trung Đông hiện đại, và đây là một góc của Trái Đất nơi ngay cả sự khẳng định đơn giản nhất cũng bị mổ xẻ, phân tích và bàn cãi. Trong các cuộc tranh luận không hồi kết về nguồn gốc của vô số vấn đề ở khu vực đó, Lawrence đã luân phiên được ca tụng, bị bêu riếu, được thánh hóa, bị ví là ác quỷ, thậm chí chỉ còn xuất hiện trong chú thích, nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị.

Bên cạnh đó còn cả vấn đề cá tính riêng của Lawrence. Là một con người cực kỳ riêng tư và bí ẩn, anh dường như có ý định từ đầu là làm cho tất cả những người cố gắng hiểu mình sẽ phải đau đầu. Một nhà lãnh đạo thiên bẩm hay một gã hề? Một người không biết sợ hãi hay là một kẻ bạc nhược cả về tinh thần lẫn thể chất? Từ rất lâu trước khi bất kỳ người viết tiểu sử nào khắc họa về anh, chính Lawrence là người đầu tiên tự gắn những đặc điểm đầy mâu thuẫn không kể hết này lên chính mình. Ẩn sau đó còn có một trò nghịch ngợm, một người kể chuyện tìm niềm vui thích trong việc thách thức và trêu đùa những người tin tưởng và khăng khăng vin vào các sự kiện “thật.” Vụ việc ở lễ sắc phong tại Cung điện Buckingham là một trường hợp điển hình. Trong những năm tiếp theo, Lawrence cung cấp nhiều cách tường thuật khác nhau về những gì đã xảy ra trong phòng khiêu vũ, mỗi lần khác nhau đôi chút và thậm chí còn đối chọi nhiều hơn so với hồi ức của các nhân chứng. Sớm hơn hầu hết mọi người, Lawrence dường như toàn tâm toàn ý chấp nhận khái niệm hiện đại rằng lịch sử có thể dễ dàng bị bẻ cong, rằng mọi người sẽ sẵn sàng tin vào sự thật đó.

Trong số các tác giả viết về Lawrence, những mâu thuẫn này thường bị hạ thấp xuống thành những chi tiết vụn vặt, những cuộc cãi vã giữa những người tìm cách làm lu mờ danh tiếng của anh và những người tìm cách bảo vệ nó. Có đúng là anh đã băng qua một sa mạc chỉ trong 49 giờ, như Lawrence tuyên bố, hoặc có thể phải mất một ngày nữa? Anh có thực sự đóng vai trò quyết định trong chiến dịch X, hay công lao thuộc về sĩ quan Anh quốc Y hoặc của thủ lĩnh Ả-rập Z? Đỡ tẻ nhạt hơn đôi chút là những chuyên gia chính trị muốn bắt voi bỏ rọ anh để phục vụ cho động cơ chính trị. Lawrence, người bảo vệ vĩ đại của người Do Thái hay kẻ điên cuồng chống Do Thái? Người giác ngộ phục vụ cho sự độc lập tiến bộ của Ả-rập hay là tên đế quốc chủ nghĩa giấu mình? Lawrence để lại một lượng văn bản khổng lồ, và quan điểm của anh đã thay đổi rất nhiều trong cuộc đời mình, rằng người ta có thể chọn lựa cẩn thận các tình tiết tương đồng để bác bỏ hầu hết mọi lời khen ngợi hay cáo buộc đối với anh.

Vượt xa sự mệt mỏi khó khăn, tội lỗi chính của các cuộc tranh luận là nó che khuất câu đố khó hiểu nhất của câu chuyện Lawrence: Làm thế nào mà anh làm được? Làm thế nào mà một nhà khảo cổ học Oxford nhút nhát đến kỳ lạ không có lấy một ngày huấn luyện quân sự lại trở thành chỉ huy trưởng cho trận chiến của một đội quân cách mạng nước ngoài, trở thành chiến lược gia, bậc thầy chính trị, người đã dự báo trước rất nhiều tai họa sẽ đến với Trung Đông?]

Các trích đoạn khác

[Lịch sử thường là chuyện phóng đại về những khoảnh khắc nhỏ – các cuộc gặp gỡ tình cờ, các quyết định ngẫu nhiên hoặc đơn giản chỉ là sự trùng hợp – ban đầu tường như không quan trọng, nhưng bằng cách nào đó đã hợp nhất với những khoảnh khắc nhỏ bé khác để tạo ra một sự kiện quan trọng, hay như người ta thường nói, cơn cuồng phong khởi nguồn từ một lần vỗ cánh bé nhỏ của con bướm.]

[Với Farraj, nhiệm vụ kết liễu này rơi vào tay Lawrence. “Tôi quỳ xuống bên cạnh cậu ấy, kê súng gần mặt đất để cậu không nhìn thấy ý định của tôi, nhưng cậu hẳn đã đoán được điều đó, vì cậu đã mở mắt và ôm chặt lấy tôi bằng bàn tay thô ráp, đầy chai sạn, bàn tay nhỏ bé của những cậu học sinh Nejd chưa trưởng thành. Tôi đã chờ một lúc và cậu ấy nói, ‘Daud sẽ giận anh’, nụ cười quen thuộc đã quay trở lại một cách kỳ dị với khuôn mặt xám xịt đang cau lại này. Tôi trả lời: ‘Hãy gửi lời chào của tôi đến cậu ấy.’ Chàng thanh niên đáp lại bằng một câu trả lời trang nghiêm: ‘Chúa sẽ ban phước cho anh’, rồi mệt mỏi nhắm mắt lại.”

Sau khi bắn kết liễu Farraj, leo lên lạc đà rồi cùng đoàn tùy tùng rút lui khi những viên đạn đầu tiên của quân Türkiye bắn tới.]

[Theo lời kể của anh, khi bình minh đến gần, anh vận hết sức lực để đứng dậy và khám phá khu vực ảm đạm xung quanh. Trong căn phòng trống liền kề, anh tìm thấy một “bộ quần áo kém chất lượng” treo trên cửa. Tự mặc được chúng lên người, anh trèo ra cửa sổ nhảy xuống đoạn đường vắng bên ngoài. Anh tiếp tục tập tễnh đi bộ qua thành phố vừa mới thức dậy cho đến khi bỏ lại nó phía sau. Xin đi nhờ một lái buôn cưỡi lạc đà đi ngang qua, anh cuối cùng cũng đến được ngôi làng xa xôi nơi anh hẹn tập hợp với những người đồng hành Azraq của mình. Anh tìm thấy họ ở đó, sự lo lắng về việc bị bắt giam trước đó của họ được thay thế bằng sự kinh ngạc trước việc anh đào thoát được.]

[Trước sự phân vân của nhiều cư dân, sáng ngày 31 tháng 5 năm 1916, một máy bay chiến đấu của Đức đã xuất hiện trên bầu trời Jerusalem và thực hiện một loạt các đường bay vòng ở phía tây của khu Thành Cổ có tường bao. Cuối cùng, một vật có trọng lượng nhỏ được ném khỏi máy bay và đáp xuống con phố ngay phía trước khách sạn Fast, quán rượu ưu thích của các sĩ quan Đức ở Jerusalem. Khi kiểm tra kỹ hơn, bưu kiện được tìm thấy là một lá cờ Đức được đóng gói với một ghi chú bên trong từ Curt Prüfer. Anh đã trở về thành phố vào tối hôm đó, ghi chú giải thích, và muốn đầu bếp chuẩn bị một “bữa tối ngon lành” cho mình. Đó là một kiểu hành động hào nhoáng mà Prüfer có lẽ sẽ không bao giờ có thể thực hiện trong “kiếp” điệp viên trưởng trước đây, nhưng hành động này cũng để chạy theo những hành vi phô trương của những người đồng đội mới, những hoa tiêu, các xạ thủ máy và các “át chủ bài” không quân của Fliegertruppen Đức, hay Quân đoàn Bay.]

[Tháng 6 năm 1915, khi William Yale lên chuyến xe đầu tiên đến Núi Olives để gặp Djemal Pasha, những con ngựa đã chạy nước kiệu lên con đường dốc trải sỏi một cách dễ dàng. Nhưng đến tháng 2 năm 1917, cũng hành trình đó giờ lại chậm chạp kinh khủng, còn những con ngựa hốc hác trong bộ dây cương, yếu ớt vì thiếu lương thực trong hai năm, thì có vẻ như có thể chết vì quá sức. “Xem ra chúng tôi sẽ không bao giờ đến được Nhà tế bần của Đức,” Yale nhớ lại. Tuy nhiên, tay lái buôn dầu mỏ vẫn kiên trì vì điều tối quan trọng là anh ta phải gặp được thống đốc Syria.]

[Điều đó hóa ra lại rất hợp ý Aaron Aaronsohn vì việc ông ta “bị bắt giữ” tại Kirkwall là một canh bạc trá hình phức tạp. Ông ta là một gián điệp, hoặc ở ít nhất là rất muốn trở thành gián điệp, nhưng là cho phía bên kia của cuộc xung đột (phe Hiệp ước), và việc bị bắt trên Oskar II một cách ồn ào – họ bắt giữ ông trước mắt công chúng, thông báo công khai về những gì đã được tìm thấy trong hành lý của ông – được thiết kế để cắt đuôi các điệp viên phản gián Đức và Türkiye và bảo vệ mạng lưới gián điệp của ông ta ở Palestine. Điều này không thể đạt được chỉ với việc Aaronsohn không bị “lộ tẩy.” Thay vào đó, ông ta cần Đức và Türkiye “biết” rằng ý định của mình là đến Mỹ, rằng người Anh đã bắt giữ “gián điệp nguy hiểm của Türkiye” trên boong tàu Oskar II một cách tình cờ. Đến hồi cuối, bức chân dung của ông ta đăng trên tờ Evening Post trở thành một nét chấm phá. Như Aaronsohn đã ghi lại trong nhật ký của mình vào đêm đó trong phòng khách sạn Kirkwall: “Trò chơi đã bắt đầu.”]

TÁC GIẢ:

Scott Anderson (sn. 1959) là một tiểu thuyết gia, tác giả phi hư cấu và phóng viên chiến trường kỳ cựu người Mỹ. Bên cạnh Lawrence xứ Ả Rập, các tác phẩm tiêu biểu của ông còn có The Man Who tried to Save the World, War Zones cùng hai cuốn tiểu thuyết Triage và Moonlight Hotel. Ông cũng thường xuyên viết bài cho New York Times Magazine, GQ, Esquire, Men's Journal, Vanity Fair… đồng thời từng đưa tin từ Lebanon, Israel, Ai Cập, Bắc Ireland, Chechnya, Sudan, Bosnia, El Salvador cùng nhiều quốc gia xung đột khác.

đánh giá sáchlawrence xứ ả - rập

5/5
( đánh giá)
5 sao
100%
4 sao
0%
3 sao
0%
2 sao
0%
1 sao
0%
Logo
  • Giới Thiệu
  • Liên Hệ
  • Chính Sách

Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.

Theo Dõi