Tập truyện này được viết vào khoảng những năm 1950, được nhà xuất bản Phù Sa in năm 1965, gồm 17 truyện.
Truyện “Lại mẹ tôi tái giá” viết về nỗi hờn ghen của một cậu bé khi người mẹ tái giá. Cậu đã bỏ đi biệt tích, lăn lóc với đời, theo giang hồ hành nghề móc túi rồi bị bắt vào trại giáo hóa. Mãn hạn, cậu phải lòng một cô gái rồi từ đó nghe tim mình vỡ vụn, không phải vì tình yêu mới chớm, mà vì nhận ra sai lầm lớn nhất của đời mình là không thấu hiểu người mẹ năm xưa, người “có lẽ ngày nay không còn nước mắt nữa để mà khóc.”
Mỗi truyện trong tập đều có một sức hấp dẫn riêng. Qua những chi tiết vừa giản dị vừa thật lạ lùng, nhà văn Bình Nguyên Lộc khảo sát nỗi niềm của các nhân vật mà hầu hết là những thân phận nghèo trôi dạt tứ phương. Một bệnh nhân điên hết bệnh nhưng chờ mãi không thấy người thân đến đón, biết mình bị bỏ rơi, cô sống ở nhà từ thiện và coi như mình đã chết rồi (truyện “Xác không chôn”). Một anh lính Tây trong một đội tuần tiễu bị lạc vào rừng, đã quyết định ở lại vùng sơn cước cheo leo, đi giúp đỡ một bộ tộc lạc hậu (truyện “Kẻ đào ngũ”).
Hay truyện "Quyển gia phổ", trong cái lung linh của ngôn từ tinh lọc, hàm súc và nhiều tầng nghĩa, tác giả đưa người đọc dõi theo một nhóm bạn cùng đàm đạo chuyện nhân tình thế thái trong một đêm cuối năm: Những khác biệt trong quan niệm tồn giữ các giá trị xưa cũ, hay sự mâu thuẫn giữa nỗi mặc cảm và niềm kiêu hãnh đã được đẩy lên cao trào khi ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy trên ban thờ tổ tiên trong sự tuyệt vọng bất lực của gia chủ - quyển gia phổ, bảo vật của gia đình đã trở thành đống tro tàn.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi