1. Trang Chủ
  2. //
name
Nhà Cung Cấp: alpha books
Nhà Xuất Bản:
Số Trang: 256
Năm Xuất Bản: 2020

Giới Thiệu Sách

Người Dẫn Chuyện

Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện nhỏ được tích góp, vun bồi qua nhiều năm tháng cuộc đời tác giả trên con đường trở thành một doanh nhân thành đạt và một người phụ nữ viên mãn trong cuộc sống. Bốn phần của cuốn sách là từng bước tác giả xây dựng tên tuổi, thương hiệu của mình. Đó là những câu chuyện về niềm đam mê, sự sáng tạo của tác giả với nghề thực phẩm; những bài học về truyền thông báo chí và sứ mệnh truyền cảm hứng của tác giả đến với các start-up trẻ. Chân dung của nữ doanh nhân toát lên một cách bình dị, thân thuộc qua kỷ niệm của tác giả đối với những món ăn đậm đà truyền thống, những bí quyết của tác giả dành riêng cho phái đẹp, giúp họ luôn tự tin và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Các đoạn trích tiêu biểu

Thuyết phục thành công mọi người từ chuyên gia, bác sĩ, đến những người tiêu dùng khó tính nhất nhưng với người nhà thì tôi lại… thất bại. Cháu nội tôi đến tuổi ăn cháo vừa lúc cháo tươi Sài Gòn Food ra mắt thị trường hơn một năm. Tôi hứa tài trợ cháo cho bé nhưng bố mẹ cháu thì e dè, chưa thật sự tin tưởng. Thường thì bố mẹ sẽ tự nấu cháo cho bé ăn, còn khi đi chơi sẽ cho cháu ăn cháo tươi nhập khẩu Nhật Bản.

Cho đến một hôm, về nhà nội chơi mà mẹ bé quên mang theo cháo, bí quá đành lấy cháo Sài Gòn Food cho bé ăn thử. Bé ăn ngon miệng và thích thú hơn hẳn các sản phẩm cháo tươi ngoại nhập. Kể từ đó, bố mẹ mới yên tâm cho bé ăn, tôi mắng vui “cháu bà nội giờ mới chịu ăn cháo bà nội”. Đây là niềm hạnh phúc to lớn và là sự tự hào với những sản phẩm chất lượng mà Sài Gòn Food mang đến cho người thân yêu trong gia đình chứ không chỉ cho người tiêu dùng.

Không chỉ truyền tải thông điệp và tầm nhìn của lãnh đạo tới các nhân viên, truyền thông nội bộ còn giúp gắn kết mọi thành viên trong công ty, giúp doanh nghiệp bền vững từ bên trong, giúp thương hiệu doanh nghiệp lan tỏa nhanh đến các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng. Luôn xây dựng hình ảnh đẹp, cả về hình thức lẫn giá trị, trước nhân viên để có được sự ngưỡng mộ, tin tưởng. Đây là cách để gắn kết với nhân viên, giúp họ có thêm niềm tin và lòng tự hào về người lãnh đạo, về công ty. Các bài viết truyền thông nội bộ cần đặc biệt chú trọng đến việc khen đúng lúc, động viên kịp thời.

Các tập tục có thể thay đổi cho phù hợp với đời sống hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống, những tinh hoa của nếp xưa vẫn luôn được gìn giữ. Ở đó vừa có sự trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vừa có sự dung hòa cho phù hợp. Mong rằng cho đến mãi sau này, mỗi dịp xuân về, Tết đến vẫn còn không khí ấm áp của ngày tảo mộ, sắc mai vàng trên khắp phố phường và hương vị quê nhà hiện diện trong từng mâm cỗ của từng gia đình Việt. Để các thế hệ sau này vẫn còn phân biệt được, đâu là Tết Tây, đâu là Tết ta.

Hình ảnh doanh nhân, đặc biệt là nữ doanh nhân, ở đây là tạo hình bên ngoài, là cái mà người ta có thể nhìn thấy, cảm nhận được ngay từ lần đầu gặp mặt. Ấn tượng này sẽ được duy trì xuyên suốt trong hành trình xây dựng một phong cách, một thương hiệu doanh nhân. Sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta xây dựng tốt thương hiệu doanh nhân mà xem thường phong độ, phong thái của mình, vì hình thức bên ngoài của chúng ta khi xuất hiện trước công chúng cũng nói lên cả cái bên trong mà chúng ta chứa đựng.

Nhiều người, nhất là phụ nữ, lăn xả vào công việc mà quên cả bản thân mình, không biết cân bằng giữa bản thân, gia đình và công việc. Cân bằng không có

thước đo chung cho tất cả mọi người vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh, độ tuổi sẽ có sự cân bằng phù hợp và có công thức thời gian riêng, chứ không thể cứng nhắc cân bằng là 50/50. Công thức cân bằng cho quãng thời gian khi chưa kết hôn, khi lập gia đình, khi có con cái, khi con khôn lớn, trưởng thành…, từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau.

Cũng không thể có sự tách biệt rạch ròi giữa công việc và gia đình. Điều quan trọng là bạn thấy thoải mái và vui vẻ với nơi bạn đang ở và vui với cách mà bạn dành thời gian cho công việc đó.

Các quote hay trong sách: (5-7 quote)

Tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác, bất kể chức vụ, bất kể ngành nghề, đều cần phải hiểu tầm quan trọng của thương hiệu. Chúng ta là những CEO của công ty riêng: Công ty TNHH Tôi. Để thành công trong thế giới kinh doanh ngày nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là giám đốc tiếp thị cho thương hiệu Bạn.

TOM PETERS

 

Không chỉ là chiến trường, thương trường còn là thao trường, là nơi để chúng ta tập luyện và học hỏi. Doanh nghiệp nào cũng sẽ có chiến binh. Hãy xem sản phẩm là vũ khí và mục tiêu “tâm điểm” là người tiêu dùng. Người chiến thắng là người đáp ứng được nhu cầu, hiểu và chinh phục trái tim của khách hàng.

 

Muốn thành công phải bền chí. Muốn bền chí phải trui rèn bản lĩnh. Bản lĩnh được hình thành từ những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, không ai giống ai, để từ đó ta vụt lớn dậy, đầy rắn rỏi, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ở phía trước.

 

Việc quản trị nhân sự cũng giống như việc chăm sóc một hàm răng. Người lãnh đạo phải luôn quan tâm đến nhân viên mỗi ngày và nếu muốn tác động thì phải dùng “thuốc tê” cho bớt đau. Ngay cả trong giao tiếp hằng ngày hay khi nhân viên mắc lỗi thì lãnh đạo cũng phải thận trọng và nghĩ đến cảm xúc của họ.

 

Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn”.

CHARLES DARWIN

 

Người giỏi đạt điểm cao đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng ủng hộ. Muốn đạt điểm cao cần phải có vũ khí tốt, phương pháp bắn chính xác, chiến

binh tinh nhuệ. Vũ khí trên thương trường chính là sản phẩm, phương pháp

bắn là chiến lược bán hàng, chiến lược marketing và sự tinh nhuệ của chiến binh.

 

Muốn đẹp cả thân và tâm, bạn nên xây dựng một cuộc sống cân bằng, hài hòa giữa bản thân, công việc và gia đình. Bạn cần ý thức về điều đó hằng ngày, hằng giờ. Sống với nó, trải nghiệm và tận hưởng niềm vui mà nó mang lại. Điều này không dễ, cũng không khó. Quan trọng là nhận thức. Chỉ khi làm đẹp là nhu cầu và bạn yêu thích thì việc làm đẹp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Review Sách:

Gấp lại cuốn sách Người dẫn chuyện, tôi vẫn còn bồi hồi về những dòng chia sẻ hết sức mộc mạc nhưng hàm chứa trong đó sự sâu sắc, từng trải của nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm. Chị như gói ghém tất cả tâm tư và vốn sống suốt mấy chục năm vào từng con chữ, chị kể chuyện nghề, chuyện đời, và cả chuyện làm một con người rất đỗi bình thường là làm vợ, làm mẹ, làm con.

Trong chuyện nghề, chị Lâm không ngại chia sẻ với độc giả từ những ý tưởng, phát minh, cho đến công nghệ, quy trình sản xuất thực phẩm của Sài Gòn Food. Tình yêu của chị đối với công việc khiến người đọc có cảm tưởng như có thể sờ thấy, nhìn thấy bằng mắt. Đó là những đêm thức trắng tìm kiếm giải pháp, cả những sai lầm, thất bại khiến cho một Phó Tổng giám đốc như chị cũng phải xắn tay làm một nhân viên bán hàng để tiêu thụ hàng tồn kho… Những khó khăn ấy đã hun đúc nên một nữ doanh nhân tài giỏi và cả một tập thể Sài Gòn Food vững vàng như ngày hôm nay.

Đi qua từng phần của cuốn sách là từng bài học quý giá được đúc kết. Bài học về cách tạo dựng thương hiệu cá nhân, cách truyền thông cá nhân và doanh nghiệp qua các phương tiện báo chí, mạng xã hội… đến với khách hàng. Bên cạnh sự cứng rắn, bản lĩnh, là đầu tàu dẫn dắt cả một tập thể vững mạnh, tác giả Thanh Lâm vẫn cho chúng ta thấy hình ảnh một người phụ nữ không lạnh lùng, kiêu ngạo mà dịu dàng, ấm áp, trong lòng luôn tràn đầy hoài niệm về những ký ức xưa. Chính những điều đó đã trở thành động lực và kim chỉ nam trong kinh doanh cho vị nữ doanh nhân này: Đó là áp dụng công nghệ hiện đại nhưng vẫn tôn vinh giá trị truyền thống.

Tác giả không phải hình mẫu một nữ cường nhân thét ra lửa. Chị coi nhân viên như những người bạn, người em, người con của mình. Chị quan tâm đến nhu cầu và “chấn chỉnh” cả vẻ bề ngoài cho họ. Đối với chị, diện mạo bên ngoài phản ánh tinh thần bên trong một người, rằng họ đang phấn khởi hay rệu rã, đang hạnh phúc hay bất mãn với cuộc sống.

Nhưng có lẽ một tinh thần xuyên suốt cuốn sách Người dẫn chuyện chính là nếp sống cân bằng. Có một câu tôi rất tâm đắc trong cuốn sách đó là: “Nếu phải đánh đổi tình yêu, hạnh phúc, sức khỏe, bạn bè để rồi thành công trong cô đơn, điều đó có làm ta hạnh phúc? Vì thế, biết tận hưởng thành công trong niềm vui trọn vẹn chính là sống cân bằng”.

Bạn không thể làm việc quần quật suốt ngày mà quên mất hưởng thụ những vẻ đẹp tinh khiết của cuộc sống đang hiện hữu. Cốt lõi của kinh doanh không thể là kiếm được thật nhiều tiền, mà phải xuất phát từ tinh thần phụng sự, muốn làm đẹp cho đời. Chị Thanh Lâm là một doanh nhân như thế. Hãy làm việc để bản thân mình hạnh phúc và lan tỏa điều đó đến với mọi người.

 Về tác giả:

Lê Thị Thanh Lâm

Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh Nhân TP.HCM – HAWEE, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Thành viên Hội đồng Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ – VBCWE.

Là một trong những cổ đông sáng lập Sài Gòn Food, đã góp phần dẫn dắt một doanh nghiệp nhỏ trở thành một trong 50 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất ở Việt Nam (Fast 500).

đánh giá sáchngười dẫn chuyện

5/5
( đánh giá)
5 sao
100%
4 sao
0%
3 sao
0%
2 sao
0%
1 sao
0%
Logo
  • Giới Thiệu
  • Liên Hệ
  • Chính Sách

Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.

Theo Dõi