Người rỗng là tác phẩm đỉnh cao của John Dickson Carr trong thể loại “mật thất án mạng”. Xuyên suốt truyện là bí ẩn của hai vụ giết người: một vụ xảy ra trong căn phòng khóa kín, nạn nhân chỉ có thể mấp máy vài từ đứt đoạn; một vụ diễn ra trên con phố vắng, có nhân chứng ở hai đầu. Trong cả hai vụ, kẻ thủ ác đều biến mất không dấu vết. Nhân chứng nhìn thấy hắn, rồi để hắn thoát đi như một màn ma thuật. Kẻ thủ ác là ai? Có chăng hắn là người rỗng dưới vỏ bọc hữu hình để rồi sau khi giết người lại biến mất vào không khí? Độc giả như bị đặt vào mê lộ của sự bất khả, và rồi những suy luận của các nhà điều tra cũng đều dần dần đi vào ngõ cụt. Án chồng án, quá khứ vươn dài xoắn xít vào thực tại khiến người đọc rối trí, nút thắt này chưa gỡ xong đã bị Carr buộc vào một nút thắt khác khó gỡ hơn. Chính những điểm gút liên hoàn được buộc và gỡ một cách xảo diệu, bất ngờ như vậy đã tạo nên sức hút cho Người rỗng, giúp tác phẩm đứng vững trong hàng ngũ những tiểu thuyết trinh thám hay nhất mọi thời đại.
Vài nét về tác giả:
John Dickson Carr (1906 – 1977) là nhà văn trinh thám Mỹ nổi tiếng, được mệnh danh là “ông hoàng mật thất”, John Dickson Carr bắt đầu sáng tác từ khi chuyển đến Anh Quốc vào đầu thập niên 1930. Tại đây, ông đã tạo dựng nhiều hình tượng được yêu thích như đại tá March, ngài Henry Merrivale, và nổi bật nhất là tiến sĩ Fell. Từ năm 1948, ông trở lại Mỹ sinh sống khi đã là một tác gia danh tiếng thế giới rồi giành được nhiều giải thưởng danh giá của làng văn trinh thám như Special Edgar Award (1950, 1970) và Grand Master Award (1963). Cuối đời, ông bị tai biến liệt nửa người nhưng vẫn miệt mài viết, cho đến năm 1977 thì qua đời vì căn bệnh ung thư phổi.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm:
Người rỗng (The Hollow Man, 1935)
Chiếc bản lề cong (The Crooked Hinge, 1938)
Vụ án viên nhộng xanh (The Black Spectacles, 1939)
Nhận xét về tác phẩm:
“Đây là một trong số những – hay có lẽ nhiều – tiểu thuyết của Carr mà độc giả phải đọc hai lần liên tiếp: một lần để bị ‘lừa’ và lần thứ hai để ‘sáng mắt’ trước màn lừa ấy.” – Nhà phê bình văn học S. T. Joshi
“Cốt truyện sắc sảo tài tình làm thỏa lòng độc giả.” – Báo Daily Mail
“…(cuốn tiểu thuyết án mạng phòng kín năm 1935 này) vẫn sánh ngang bất kì tiểu thuyết trinh thám nào ngày nay, được xem là ‘sách giáo khoa’ của các nhà văn trinh thám, tuyệt đối không thể bỏ qua.” – Tạp chí Big Issue North
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi