Hãy thử áp dụng Know-how của Toyota vào công việc của bạn
Doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần tăng trưởng trở lại sau thời gian dài suy thoái. Toyota cũng kinh doanh có lãi trở lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, lũ lụt tại Thái Lan và gần đây nhất là trận động đất sóng thần tại Nhật Bản (11/3/2011). Hơn nữa, đến cùng kỳ năm 2014, Toyota đã đạt mức lợi nhuận khổng lồ vượt 20 ngàn tỷ Yên.
Trước năm 2008, Toyota vẫn luôn khiến chúng ta choáng ngợp về tốc độ tăng trưởng với sản lượng sản xuất và số lượng tiêu thụ đứng đầu thế giới, công xưởng sản xuất cũng được mở rộng trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn này, tình trạng sản xuất của Toyota tậm chí có thể nói rằng: “cứ sản xuất ra là có thể tiêu thụ được”. Tuy vậy, khi đang ở vị trí đứng đầu thế giới vào năm 2008 thì công ty phải đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế Lehman. Đến năm 2009-2010 Toyota lại điên đảo với tình trạng bị buộc thu hồi xe tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, tháng 3 năm 2011 công ty lại phải gánh chịu những thiệt hại lớn từ trận động đất sóng thần tại khu vực phía Đông Nhật Bản. Liên tiếp các vấn đề đến từ trong và ngoài nước đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động sản xuất nói chung, cũng là những cú đánh thẳng vào Toyota nói riêng.
Trước đây, ngài Toyoda Kiichiro - người sáng lập Toyota đã phải nhận trách nhiệm và từ chức khi công ty đứng trước bờ vực phá sản vào năm 1950 - cũng đã đề cao tầm quan trọng của việc dự phòng những nguy cơ nghiêm trọng “chỉ có thể gặp 1 đến 2 lần trong 100 năm”. Khả năng trụ vững trước những khó khăn liên tiếp như vậy là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống bền bỉ của Toyota.
Tình trạng khó khăn này kéo dài liên tiếp trong mấy năm trời. Trong thời điểm ấy, điều cấp thiết hơn bao giờ hết chính là phải tìm ra được lối thoát cho công ty. Bất ngờ thay, lối thoát ấy lại nằm chính ở phương thức Toyota mà công ty đã dành biết bao năm tháng để xây dựng nên.
Sau cơn khủng hoảng Lehman một thời gian, trong công ty Toyota truyền tai nhau một câu nói: “Có một thứ mà chúng ta nhất quyết phải lấy lại. Mặc dù công ty đã chịu thiệt hại vô cùng lớn nhưng chỉ cần quay trở lại phương thức Toyota thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.” Chính điều này đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Ở Toyota, họ có những "câu nói cửa miệng" lưu truyền trong công xưởng. Những câu nói đó được truyền đi từ giám đốc đến các quản lý, từ các quản lý đến các nhân viên, từ các đàn anh đi trước đến các đàn em nối sau.Cội nguồn sức mạnh của Toyota được đúc kết trong những “câu nói cửa miệng”.
Với tư liệu được lấy thông qua phỏng vấn những người quản lý có trên 40 năm kinh nghiệm làm việc tại Toyota, cuốn sách bạn đang cầm trên tay tổng hợp những "câu nói cửa miệng" được lưu truyền xuyên suốt nhiều thế hệ tại Toyota. Hơn nữa, nó cũng tập trung vào những cách suy nghĩ trong từng bối cảnh tương ứng với các câu nói đó.
Những nhân vật xuất hiện trong cuốn sách này đa số là những nhân viên đã từng làm việc tại Toyota từ trước năm 1960 đến trước năm 2000. Sau đó, họ chuyển qua công việc đào tạo tại công ty OJT Solutions (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi). Hiện tại, họ vẫn tiếp tục công tác tư vấn để truyền lại những tư duy, kiến thức đã được bồi dưỡng tại Toyota tới những công ty khác trong lĩnh vực sản xuất, nhằm hỗ trợ đào tạo con người và nâng cao thành tích kinh doanh.
Hy vọng rằng thông qua việc giới thiệu những “câu nói cửa miệng” của Toyota, cuốn sách này sẽ giúp ích phần nào cho công việc hàng ngày của quý độc giả.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.