Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta là cuốn sách tư liệu gồm 6 phần, tập hợp những bài viết và tác phẩm của Phan Khôi về vấn đề phụ nữ. Có thể nói, Phan Khôi là một trong những tác gia Việt Nam đầu tiên tiếp cận tư tưởng nữ quyền một cách hệ thống và thuyết phục.
Học giả Phan Khôi là một trong số những tác gia quan trọng của lịch sử báo chí, tư tưởng văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Trong số những vấn đề xã hội mà Phan Khôi đã đề xuất và lên tiếng trong dư luận báo chí ở Việt Nam từ những năm 1930, không thể không kể tới vấn đề phụ nữ. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã rất kì công để tuyển chọn những bài báo tiêu biểu của Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn, Phụ nữ Thời đàm, Tràng An, Thần chung, Sông Hương… luận bàn về các khía cạnh căn bản của "vấn đề phụ nữ": từ đòi hỏi xem xét người nữ trong tư cách làm người nói chung chứ không chỉ trong tư cách làm vợ làm mẹ, nhân đó nêu các vấn đề phụ nữ với "quốc sự" (chính trị), vấn đề nữ lưu giáo dục, vấn đề nữ công, vấn đề về nhân phẩm, hôn nhân gia đình… cho thấy rõ sự thực hiện mục tiêu vận động, sửa đổi phong tục, đưa xã hội Việt Nam thoát dần ra khỏi đời sống lạc hậu. Có những vấn đề được ông đề cập đến ngọn ngành, sâu sắc. Chẳng hạn, vấn đề trinh tiết, "chữ trinh", Phan Khôi đề xuất sự phân biệt "tiết trinh" và "nết trinh". Cái "nết" là sự tự nguyện giữ gìn phẩm giá đoan chính của người nữ. Trong khi cái “tiết” là bổn phận của người phụ nữ chết chồng, là đòi hỏi nghiêm khắc, mang tính áp đặt phi nhân của Nho giáo, nhất là Tống nho, đối với người phụ nữ, và suy cho cùng nó là "do lòng tham lam và thói ích kỷ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình". Một nét khá đặc trưng cho ngòi bút và tính cách Phan Khôi là khi xuất hiện trên mặt báo, ông không những không giấu giếm con người thực, gia cảnh thực của mình, trái lại, có khi còn đưa các sự việc trong gia cảnh mình ra làm chất liệu để phân tích các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, do xuất thân từ Hán học, Phan Khôi có nhiều lợi thế để khai thác nguồn sách sử cũ; trong thời gian làm các tờ báo phụ nữ, ông đã kịp đưa ra một phác thảo về "Việt Nam phụ nữ liệt truyện" để ghi nhớ những nhân vật nữ người Việt trong quá khứ, những tên tuổi phụ nữ nổi bật đương thời; giới thiệu sinh hoạt phong tục phụ nữ Việt Nam qua tục ngữ phong dao tiếng Việt, là một kiểu nghiên cứu xã hội học phong tục, từ cứ liệu thơ ca dân gian. Truyện Trở vỏ lửa ra được tuyển chọn trong tập sách là thiên truyện dài đầu tiên và duy nhất trong đời viết văn của ông với đề tài chống lại tình trạng bất bình đẳng nam nữ.
Có thể thấy, những bài viết và tác phẩm của Phan Khôi được tuyển tập trong Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta sẽ khơi gợi được nhiều vấn đề ý nghĩa để các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm tới lịch sử, văn hóa cùng suy nghĩ và luận bàn.
Một số trích đoạn tiêu biểu:
Tiết khác nghĩa với nết. Tiết là một cái dấu tỏ ra mình đã làm hết bổn phận của mình đối với người mà mình thuộc về. Một người đàn bà chết chồng, không lấy chồng khác, mà gọi là tiết phụ, cũng chẳng khác nào một người bầy tôi chết vì vua mà gọi là tử tiết hay là tận thần tiết. Tiết phụ là một người vợ đã làm hết bổn phận đối với chồng cũng như "tử tiết chi thần" là một người tôi đã làm hết bổn phận đối với vua.Cũng thì trinh, mà chuộng cái tiết thì hóa ra ti bỉ không cao thượng bằng chuộng cái nết, do cái lẽ một đằng thì vì mình mà một đằng thì vì người.
Trinh mà chuộng về nết thì một người đàn bà chết chồng có thể lấy chồng khác, không gọi là thất trinh được, miễn là trong khi có chồng khác đó cũng vẫn đoan chánh và chánh chuyên. Nhưng chuộng về tiết thì chết chồng mà lấy chồng khác là thất tiết. Cái luật nghiêm khắc ấy do lòng tham lam và thói ích kỷ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình.
Trải xem sử sách, thấy người đời xưa chỉ chuộng cái nết trinh mà không ép người đàn bà phải giữ cái tiết trinh. Bên Tàu, từ trước cho đến cuối thế kỷ thứ mười, đối với việc đàn bà cải giá, xã hội coi là thường, không hề phi nghị. (1*) Những sự cấm chế vô lý là từ các ông Tống nho về sau.
(Chữ trinh: cái tiết với cái nết)
Tôi nói: ở nước Nam ta, chẳng có cái gì là đáng gọi là "nữ công" hết."Chết! Sao thầy mở miệng ăn mắm ăn muối mà nói bậy thế? Sao thầy dám cả gan mạt sát hết thảy?" – Có bà sẽ bảo tôi như thế.
Không. Mạt sát hết thì tôi không mạt sát hết. Song cả nước An Nam 10 triệu đàn bà mà có một vài trăm hay là một vài ngàn hay là một đôi vạn người lành nghề đi nữa, cũng không đủ gọi là một nền nữ công cho xứng đáng được. Mà tôi nói đây là nói về một nền nữ công xứng đáng của đàn bà An Nam.
Hai chữ "nữ công" chắc ai cũng đã biết nghĩa nó. Song, chữ "công" 工 có nghĩa là "việc" đành rồi, mà cũng có nghĩa là "thợ" là "khéo" nữa. Vậy trong khi ta nói "nữ công" không nên chỉ biểu nó là "việc của đàn bà" mà thôi, mà phải hiểu là hết thảy đàn bà làm những việc mình làm, đều là "tay thợ" cả, đều là "khéo" cả, mới được.
Cái định nghĩa của chữ nữ công là như vậy, các bà các cô có chịu không? Nếu có chịu thì tôi xin hầu chuyện.
(Nữ công)
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi