1. Sách
  2. ///
Logo Banner Home

Tác Giả alvin toffler

Tổng hợp sách của tác giả alvin toffler tại KhoSach.com.vn
name

Làn sóng thứ Ba xuất bản lần đầu năm 1980 là quyển thứ hai trong bộ ba tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà tương lai học Alvin Toffler. Cuốn sách mô tả chi tiết quá trình chuyển đổi ở các nước phát triển, từ xã hội Thời đại Công nghiệp mà ông gọi là “Làn sóng thứ Hai”, sang xã hội Thời đại Thông tin – tức “Làn sóng thứ Ba”.

Một điều quan trọng là bản chất của xã hội (những mối quan hệ giữa con người với các cấu trúc chính trị và kinh tế) bị thay đổi một cách đáng kể bởi tác động của công nghệ mới. Ở một mức độ nào đó, đời sống con người được điều chỉnh sao cho phù hợp với công nghệ.

Sau 10 năm kể từ Cú sốc tương lai, Alvin Toffler đã đi những bước rất dài tiến vào thế giới “hậu công nghiệp”. Không còn sửng sốt, ngờ vực và thụ động đón nhận, mà thay vào đó, tác giả bình tĩnh phác ra bức tranh tương lai trong “làn sóng thay đổi thứ ba”. Một cách vô thức hoặc cố ý, mỗi người đều tham dự vào quá trình xây dựng nền văn minh mới, hoặc chống lại nó để bảo tồn những di sản của quá khứ. Dừng lại hay đi tiếp – Làn sóng thứ Ba sẽ giúp bạn lựa chọn.

Làn sóng thứ Ba đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và xuất bản nhiều lần trên thế giới, trong đó có thể kể đến: Ả Rập, Trung Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Indonesia, Italy, Hàn Quốc, Tây Ban Nha,… và Việt Nam.

Đây là tài liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội, phục vụ mục đích tra cứu và làm cơ sở cho các nhà dự báo. Tất cả những ai muốn hiểu và hiểu sâu về những hiện tượng kinh tế và xã hội đương thời.

+ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:

“Một cuốn sách thay đổi nhận thức của bạn về thế giới và cách thế giới này vận hành. Làn sóng thứ Ba của Alvin Toffler đầy màu sắc, sáng tạo và… lỗi lạc.” – Environment Action

“Một tác phẩm tuyệt vời… Alvin Toffler lướt qua thời gian và không gian để hợp nhất lượng thông tin đáng kinh ngạc – từ đời sống gia đình đến vi sinh học – vào một học thuyết lịch sử.” – The Washington Post

“Tầm nhìn của Alvin Toffler luôn luôn mới mẻ… Một tấm bản đồ cho hiện tại và tương lai không thể thiếu.” – Business Week

“Một bản tổng hợp phi thường… Alvin Toffler tiến xa hơn mọi lời tiên tri khoa học và ý thức hệ.” – Le Figaro

“Alvin Toffler có trí tưởng tượng và năng lực tư duy đến rất nhiều khả năng trong tương lai bằng cách vượt qua những giá trị và giả định phổ biến.” – Liên đoàn Báo chí Mỹ (AP)

+TRÍCH ĐOẠN HAY:

“Trong thời buổi thay đổi bùng nổ – đời sống cá nhân không còn nguyên vẹn, trật tự xã hội sẵn có đổ nát, và một lối sống mới tuyệt vời xuất hiện nơi chân trời – việc đặt ra những câu hỏi lớn nhất về tương lai của chúng ta không chỉ là vấn đề về sự tò mò trí tuệ. Đó là vấn đề về sự sinh tồn.

Dù có biết hay không, hầu hết chúng ta đều đã và đang tham gia vào việc chống lại hoặc tạo ra một nền văn minh mới.”

“Vì nền văn minh mới này thách thức nền văn minh cũ, nó sẽ lật đổ các chế độ quan liêu, làm suy giảm vai trò của quốc gia-dân tộc, và tạo ra các nền kinh tế bán tự trị trong một thế giới hậu đế quốc. Nó đòi hỏi các chính phủ phải đơn giản hơn, hiệu quả hơn và cả dân chủ hơn bất cứ những gì chúng ta biết hiện nay. Nó là một nền văn minh có thế giới quan khác biệt, có kiểu ứng xử riêng với thời gian, không gian, logic và quan hệ nhân quả.”

 “… ở cả các nước công nghiệp tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, chuyên môn hóa gắn với một trào lưu chuyên nghiệp hóa đang lên. Bất kỳ khi nào cơ hội đến với một nhóm chuyên gia để độc quyền hóa kiến thức bí truyền và không cho những người mới xâm nhập lĩnh vực của họ, các nghề nghiệp sẽ xuất hiện. (…) sức khỏe trong các xã hội Làn sóng thứ Hai cũng trở thành một loại sản phẩm được bác sĩ và chế độ chăm sóc sinh đẻ-sức khỏe quan liêu cung cấp, hơn là kết quả của chế độ tự chăm sóc thông minh (sản xuất để sử dụng) từ bệnh nhân. Giáo dục cũng được cho là do giáo viên ‘sản xuất’ và học sinh ‘tiêu dùng’.”

“Khi sản xuất công nghiệp lan rộng, chi phí cao về máy móc và việc lực lượng lao động phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ đòi hỏi đồng bộ hóa tinh tế hơn hẳn. Nếu một nhóm nhân công ở một nhà máy hoàn thành công việc chậm trễ, những người khác ở cuối dây chuyền cũng bị chậm theo. Do đó, sự đúng giờ vốn chưa từng được coi trọng trong cộng đồng nông nghiệp nay trở thành tất yếu xã hội, (…).”

“Thấm đẫm những tư tưởng của thuyết cơ giới, tin tưởng gần như mù quáng vào sức mạnh và tính hiệu dụng của máy móc, các nhà sáng lập cách mạng của các xã hội Làn sóng thứ Hai, dù là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, dĩ nhiên đều phát minh ra những thiết chế chính trị có nhiều đặc tính giống như máy móc công nghiệp thời kỳ đầu.”

“Nền văn minh công nghiệp… không thể tồn tại trừ phi nó hợp nhất phần còn lại của thế giới vào một hệ thống tiền tệ và kiểm soát hệ thống đó vì lợi ích của chính nó. Cách nó thực hiện việc này rất quan trọng cho việc tìm hiểu thế giới mà Làn sóng thứ Ba sẽ tạo ra.”

 “Nền văn minh Làn sóng thứ Hai đặt trọng tâm vô cùng nặng nề vào khả năng tháo gỡ vấn đề ra các phần nhỏ chứ không phải lắp ghép các mảnh vấn đề lại với nhau. Phần lớn mọi người thạo kỹ năng phân tích hơn là tổng hợp. Đây là một lý do tại sao hình dung của chúng ta về tương lai (và về bản thân trong tương lai đó) lại quá rời rạc, lộn xộn và sai lầm. Việc của chúng ta ở đây sẽ là suy nghĩ như những nhà khái quát hóa, chứ không phải các chuyên gia.”

“Mặc dù các lò phản ứng hạt nhân hay các nhà máy hóa khí hoặc hóa lỏng than đá và các công nghệ khác cùng loại tưởng là cao cấp hay hiện đại và do đó là tân tiến, nhưng thực ra chúng là tạo tác của một quá khứ Làn sóng thứ Hai bị kẹt trong chính những mâu thuẫn chết người của nó. (…) Tương tự, mặc dù các lực lượng Làn sóng thứ Hai tưởng như mạnh mẽ và các nhà chỉ trích thuộc Làn sóng thứ Ba hướng về họ thì yếu ớt, nhưng thật ngu ngốc khi đặt cược quá nhiều vào quá khứ. Quả thực, vấn đề không phải là liệu cơ sở năng lượng Làn sóng thứ Hai sẽ bị lật đổ và thay thế bằng một cái mới hay không, mà là khi nào.”

“Tôi tin rằng gia đình sẽ có tầm quan trọng mới đáng ngạc nhiên trong nền văn minh Làn sóng thứ Ba. Sự xuất hiện của người tiêu dùng-sản xuất, sự phổ biến của ngôi nhà điện tử, việc phát minh ra các cấu trúc tổ chức mới trong kinh doanh, sự tự động hóa và phi đại chúng sản xuất, tất cả đều hướng vào việc gia đình lại nổi lên như một đơn vị trung tâm trong xã hội tương lai – một đơn vị có các chức năng kinh tế, y tế, giáo dục, và xã hội được nâng cao thay vì hạ thấp.”

“Sự lỗi thời của nhiều chính phủ ngày nay không còn là bí mật (…). Đó cũng chẳng phải là căn bệnh của riêng nước Mỹ. Vấn đề là xây dựng một nền văn minh mới trên đống đổ nát của nền văn minh cũ liên quan đến việc thiết kế một cấu trúc chính trị mới, phù hợp hơn ở nhiều quốc gia cùng lúc. Đây là một dự án vất vả nhưng cần thiết, có quy mô choáng ngợp và chắc chắn sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành. Nhiều khả năng nó sẽ yêu cầu một trận chiến dài lâu để cải cách tận gốc – hay thậm chí loại bỏ (…) những cỗ máy cồng kềnh và ngày càng kém hiệu quả của cái gọi là chính phủ đại diện.”

“Trong một thế giới hiếu chiến với vũ khí hạt nhân và chênh vênh bên bờ vực sụp đổ kinh tế hay sinh thái, sự lạc hậu nhanh chóng của hệ thống chính trị Làn sóng thứ Hai tạo ra một mối đe dọa khủng khiếp cho toàn thể xã hội – không chỉ với “bên ngoài” mà cả “bên trong”, không chỉ với nước nghèo mà cả nước giàu, cũng như những khu vực phi công nghiệp trên thế giới. Hiểm họa sát sườn với tất cả chúng ta nằm ngay trong việc tính toán sử dụng quyền lực của những người nắm quyền, trong tác động phụ thiếu tính toán của những quyết định được đưa ra từ cỗ máy chính trị quan liêu đã lạc hậu kinh khủng đến mức ngay cả những ý định tốt nhất cũng dẫn đến các hậu quả chết người.”

name

Alvin Toffler là tác giả của những cuốn sách ảnh hưởng sâu sắc tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều ông trùm tư bản một thời. Đặc biệt là bộ ba tác phẩm chủ đạo : Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba và Dịch chuyển quyền lực.

Cú sốc tương lai xuất bản năm 1970, là cụm từ ám chỉ những áp lực mà con người phải gánh chịu khi thế giới biến thành một cỗ máy công nghiệp cường độ cao trong tương lai. Cuốn sách với dung lượng thông tin đầy ắp và những dẫn chứng cụ thể, có sức thuyết phục, tác phẩm đã miêu tả, phân tích và nhận định về xã hội trong khung cảnh những đổi thay đến mức kỳ lạ, làm đảo lộn lối sống, cách nghĩ của con người từ xưa đến nay; rút ra những nhận định và đặc điểm của thời đại mà chúng ta đang sống. Đưa người đọc vượt qua những phát kiến hấp dẫn của "thời kỳ bùng nổ" để đến với những giải pháp nhiều mặt về vật chất và tinh thần, về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, về mỗi cá nhân và cả cộng đồng.   

Đã có nhiều cuốn sách viết về tương lai, nhưng đa số chúng chỉ như những ghi chép khô khan, cứng nhắc. Ngược lại, cuốn sách này thảo luận về khía cạnh con người ngày mai.

Alvin Toffler chia sẻ : “Một tác phẩm hoang mang, gây sốc về những gì sẽ xảy ra khi sự thay đổi áp đảo con người và làm thế nào để thích nghi với chúng. Cuốn sách giúp chúng ta chấp nhận tương lai, giúp chúng ta ứng phó hiệu quả hơn với những thay đổi của cá nhân và xã hội bằng việc hiểu biết sâu hơn cách con người phản ứng với sự thay đổi.”

“Năm 1965, trong một bài báo trên tạp chí Horizon, tôi đưa ra cụm từ “cú sốc tương lai” để miêu tả áp lực nặng nề và sự mất phương hướng mà chúng ta gây ra cho mọi người bằng việc bắt họ phải chịu quá nhiều thay đổi trong thời gian quá ngắn. Tôi say mê ý tưởng này và dùng năm năm tiếp theo để tham quan hàng chục trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và cơ quan nhà nước; tôi đọc rất nhiều bài báo và bài luận khoa học, đồng thời đã phỏng vấn hàng trăm chuyên gia về những khía cạnh khác nhau của sự thay đổi, hành vi ứng phó, và tương lai. Những người từng nhận giải Nobel, dân hippie, nhà tâm lý học, bác sĩ, doanh nhân, các chuyên gia theo chủ nghĩa vị lai, nhà triết học, và nhà giáo dục đã nêu lên mối quan ngại của họ về sự thay đổi, những lo lắng của họ về việc thích nghi, và những sợ hãi đối với tương lai. Sau trải nghiệm này, tôi có hai kết luận gây hoang mang.

Thứ nhất, rõ ràng cú sốc tương lai không còn là một hiểm họa tiềm tàng xa vời nữa mà là căn bệnh thực ngày càng nhiều người mắc phải. Có thể miêu tả căn bệnh về tâm-sinh lý này bằng các thuật ngữ y học và tâm lý học. Đó là căn bệnh của sự thay đổi.

…Thứ hai, tôi ngày càng lo sợ vì kiến thức ít ỏi về tính thích nghi, dù là của những người đòi hỏi và tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội chúng ta, hay của những người lẽ ra phải hỗ trợ chúng ta ứng phó với những thay đổi này. Những người trí thức nghiêm túc đã can đảm nói đến vấn đề “giáo dục vì sự thay đổi” hay “chuẩn bị cho mọi người trước tương lai.” Nhưng chúng ta gần như chẳng biết phải làm thế nào. Trong môi trường thay đổi nhanh chóng nhất mà con người từng sống, chúng ta thật đáng thương vì vẫn chẳng biết con người ứng phó ra sao.”

1
Kiến Thức Chia Sẻ là chuyên trang chia sẻ tài liệu học tập hay và sách PDF miễn phí, giúp người học tiếp cận nguồn kiến thức phong phú và đa dạng. Từ sách giáo trình, tài liệu ôn thi đến ebook chuyên ngành, trang web cung cấp đầy đủ nội dung chất lượng, hỗ trợ học tập hiệu quả. Với giao diện thân thiện và kho tài nguyên cập nhật liên tục, đây là địa chỉ tin cậy cho mọi đối tượng học sinh, sinh viên, và người đam mê tri thức. Truy cập ngay để khám phá và tải sách PDF hoàn toàn miễn phí!

VỀ KIENTHUCCHIASE.COM