Lên Đồng - Hành Trình Của Thần Linh Và Thân Phận
GIỚI THIỆU SÁCH:
“… lên đồng không phải là trạng thái bệnh lý, mà chỉ là trạng thái tâm sinh lý, là trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt, ở đó các ông đồng, bà đồng chủ động tự đưa mình vào trạng thái ấy. Chính trong môi trường tự biến đổi ý thức đó, cái vô thức trỗi dậy, giúp bà đồng, ông đồng giải tỏa nhiều ức chế tâm thần cũng chính là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tâm sinh lý, như điên loạn, bệnh tật, kết tóc, cơ đày... Và cũng không có gì ngạc nhiên khi ra đồng và thường xuyên lên đồng thì trong môi trường tự biến đổi ý thức do tự ám thị mà các ức chế vô thức được giải tỏa, dần khỏi bệnh, dần khắc phục được các hành vi lệch chuẩn và tái hòa nhập cộng đồng như những người bình thường khác.” Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận không chỉ dừng lại ở việc khái lược và nhận diện bản chất của hiện tượng lên đồng mà còn bước đầu cố gắng tìm hiểu các khía cạnh tâm sinh lý và trị liệu của hiện tượng này, cùng với đó là những vấn đề khác như cơ đầy, ái nam ái nữ, quan hệ đồng giới hay giải phóng các khát vọng của phụ nữ trong xã hội cổ truyền và xã hội hiện đại.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Giáo sư Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông từng làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Ông đã xuất bản rất nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ và có giá trị, bên cạnh Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, có thể kể đến Đạo Mẫu, Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Hát văn, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, v.v.
Hát văn (chầu văn hay hát hầu đồng hay hát bóng) và hầu bóng là một loại hình văn hóa dân gian tổng thể, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng Việt Nam. Thông qua nghiên cứu hát văn và hầu bóng, chúng ta không chỉ thấy được một hình thức diễn xướng dân gian và tín ngưỡng dân gian, mà còn thấy được sự đan quyện hữu cơ giữa chúng tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian (VHDG) tổng thể độc đáo. Đó là một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa dân gian.
Hiện tượng hát văn và hầu bóng còn là một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng hiện tồn tại khá phổ biến trong đời sống nhân dân ở nông thôn cũng như thành thị, thậm chí ở đô thị lại có phần phổ biến hơn. Tức là nghiên cứu một hiện tượng VHDG Việt Nam hiện đang còn tồn tại và phát triển trong môi trường đích thực của nó, chứ không phải chỉ còn là những hồi tưởng, những tư liệu trong sách vở. Hơn thế nữa, hát văn và hầu bóng đang trong quá trình phát triển, vốn gốc hát văn là một hình thức âm nhạc và hát tôn giáo, nay đang trong quá trình tách ra trở thành một loại hình âm nhạc và dân ca độc lập, bên cạnh đó vẫn tồn tại hình thức diễn xướng hát văn và hầu bóng như xưa kia nó vẫn tồn tại.
Nghiên cứu hiện tượng hát văn và hầu bóng còn giúp ta tiếp cận tới hình thức khá nguyên sơ của sân khấu dân gian, đó là hình thức diễn xướng sân khấu tâm linh, ở đó, con người không chỉ nhập thân mà còn hóa thân thành những thần linh và sống đời sống của các thần linh. Ở đó, con người không chỉ thỏa mãn những nhu cầu của đời sống mỹ cảm, mà còn cả đời sống tâm linh.
Trích Lời nói đầu
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi