Từ xưa tới nay người thế gian cũng thường dùng những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi thanh xuân. Nhưng thanh xuân có lúc không như vậy, luôn có rắn độc nấp sau những khóm hoa diễm lệ. Cho nên thanh xuân cũng có mặt tàn khốc của nó – áp lực công việc, niềm bất an trong tình cảm, cảm giác vô định trong cuộc sống, sự đả kích của thất bại, nỗi cô đơn ấm ức khi bị lừa gạt… Những điều đấy đã khiến các bạn trẻ không tìm được phương hướng, thậm chí còn gây ra các hành vi rất cực đoan.
Một bộ phận giới trẻ ngày nay hay cho rằng Phật giáo là tôn giáo dành cho người già, tới bất kì ngôi chùa nào cũng thấy rất nhiều người già đang niệm Phật, dường như không liên quan gì tới giới trẻ. Đây là một lối suy nghĩ sai lầm. Thông qua quá trình tu học Phật pháp 30 năm nay, tác giả thấy rằng: Phật pháp vô cùng hữu ích cho người trẻ!
Tác giả vô cùng đau lòng mỗi khi nhìn thấy người trẻ vì những việc nào đó mà phiền não, bị giày vò, sống không bằng chết. Bởi vậy ông rất mong có thể đem những phương pháp của Phật giáo nói cho họ biết, nguyện cầu có thể giúp giới trẻ đủ dũng khí đối diện với sự tàn khốc của thanh xuân.
Thanh xuân là thời kì rất quan trọng trong cuộc sống, cũng chính là thời kì giới trẻ bước chân vào xã hội, thiết lập nhân sinh quan của mình. Nếu như định hình sai thì cả một đời chỉ có mưu đồ danh lợi, nhằm đạt được mục đích, lãng phí một kiếp người quý báu. Cho nên, con đường đời về sau nên đi như thế nào thì mọi người hãy suy nghĩ cho kĩ.
Bởi vậy, tác giả Khenpo Sodargye quyết định trích những nội dung thích hợp với giới trẻ từ những bài giảng trong những lần đi thuyết pháp và diễn giảng cho sinh viên, biên tập lại thành sách. Hi vọng thông qua sự chỉ dẫn của Phật pháp, người trẻ nhận ra được bản chất của cuộc sống, hiểu rõ được lí thủ – xả trong đời, có trí tuệ để xử lí mọi việc chứ không dừng ở những khẩu hiệu suông, lừa mình lừa người, trốn tránh hiện thực.
Các bạn trẻ thân mến, hãy đọc quyển sách này, vì một câu nói trong sách có thể đem lại rất nhiều điều chỉ dẫn cho bạn, soi sáng con đường của bạn trong tương lai.
Trích dẫn từ sách:
NHÌN KHẮP THẾ GIAN, KHÔNG AI KHÔNG KHỔ
Nhiều người khi còn đang học đại học không hề chuẩn bị kĩ càng cho tương lai, chỉ tưởng tượng mông lung rằng: “Chỉ cần học xong đại học là tôi có thể bước ra ngoài xã hội thể hiện tài năng, tự do làm công việc mình mơ ước, thích gì làm nấy!” Thực ra, khi bạn thực sự bước chân vào xã hội, bạn sẽ ngộ ra nhiều chuyện chưa từng nghĩ tới, ẩn giấu phía sau vinh quang và nụ cười sẽ là hiện thực xấu xí. Khi đó, nếu bạn không có sự trợ lực của tín ngưỡng hay chuẩn bị tâm lí kĩ càng, một khi lí tưởng và thực tế trái ngược nhau, bản thân sẽ cảm thấy bất lực khi đối diện với hiện thực. Lúc đó, giả sử nếu bạn có thể nhận ra: Nhân sinh vốn dĩ là khổ đau, nhưng có thể dựa vào phương pháp được đức Phật thuyết giảng để loại bỏ, thì bạn sẽ có thêm nguồn hi vọng rời xa khổ đau đạt được hạnh phúc, gặp phải nghịch cảnh cũng không cảm thấy bế tắc.
Đức Phật từng dạy chúng ta rằng: “Ba cõi không an, như ở trong nhà lửa”. Nhân sinh trên thế gian vốn dĩ khổ đau nhiều, hạnh phúc chẳng bao nhiêu. Điều này một số người có lẽ chưa nhận ra, tuy nhiên ta hãy thử tính xem: Mỗi ngày từ sáng đến tối, bạn vui vẻ mấy lần, đau khổ mấy lần? Hoặc sống đến bây giờ việc khiến bạn vui có bao nhiêu, chuyện buồn có bao nhiêu? Đừng cho rằng tiền tài, danh vọng hay địa vị có thể mang đến niềm vui. Elizabeth Taylor từng nói: “Đời tôi nhan sắc, danh tiếng, thành công, phú quý đều có cả, nhưng lại không hề cảm thấy hạnh phúc”. Tại sao lại như vậy? Một người nếu không biết hài lòng, hạn chế ham muốn, không có khái niệm “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, chỉ phụ thuộc mọi việc bên ngoài, thì không cách nào chống lại được khổ đau luân hồi. Ngày nay chưa chắc các bạn trẻ đã hiểu được chân lí này, nhưng đợi đến khi bắt đầu lăn lộn ngoài xã hội sẽ ngộ ra khổ mới là cuộc đời.
Ở nơi làm việc phải đối mặt với đủ kiểu cạnh tranh, về đến nhà phải đối diện với than phiền của người thân, bước ra cửa lại bực tức với việc tắc đường, thường ngày cũng có lúc tâm tình buồn bực vô cớ, có khi sức khoẻ có vấn đề hoặc cũng có lúc nhìn người khác đã thấy không vừa ý... Tôi thường nghĩ rằng: Sức mạnh mà Phật pháp mang lại cho tôi có đổi lấy bao nhiêu tiền bạc, danh vọng cũng không sánh được. Nếu không học Phật tôi cũng sẽ đối diện cuộc sống với tâm thế phàm tục, chắc chắn phải chịu vô vàn đau khổ. Ví dụ khi nảy sinh mâu thuẫn với người khác, nghĩ không thông rất dễ gây hấn hoặc thậm chí hận thù đối phương cả đời. Nhưng khi học Phật rồi phần lớn khổ đau đều có thể được giải trừ thông qua giáo lí nhà Phật, nhiều lúc cơ thể và tâm trí có thể được điều chỉnh ngay lập tức. Thậm chí có khi kết quả không nhìn ra ngay được, nhưng ít nhất tôi hiểu được rằng đau khổ bắt nguồn từ nghiệp lực của chính bản thân mình.
Bằng cách này, dù chuyện gì xảy ra ta vẫn sẽ vui vẻ đón nhận, bình tĩnh đối mặt, chứ không chìm đắm trong đau khổ, không cách nào thoát ra.
TRƯỞNG THÀNH TỪ KHỔ ĐAU
Thông thường mọi người đều cho rằng hạnh phúc và khổ đau là hai phạm trù riêng biệt, như nước với lửa không thể dung hoà. Nhưng có thể tìm ra hạnh phúc từ trong nỗi đau, nhìn rõ đau khổ tồn tại trong niềm vui, đó mới là bậc cao minh trí giả. Rất nhiều người khi nhắc đến đau khổ liền tránh như tránh tà mà không biết rằng nó cũng có mặt lợi. Đau khổ có thể làm tiêu tan cảm giác vượt trội, xua tan sự kiêu ngạo, giúp bạn biết thương cảm với nỗi đau của chúng sinh, giúp ta nhìn rõ chân tướng sự việc, hiểu được việc gì nên làm, việc gì không nên làm… Do đó khổ đau không phải là không có ích lợi, mấu chốt là bạn có thể tinh chế “dưỡng chất” từ nó hay không mà thôi.
Trong Phật giáo, cách đối mặt với đau khổ hoàn toàn không giống với nhân gian. Người đời rất sợ nghịch duyên và đau khổ, họ thường lui tới chùa chiền thắp hương bái Phật, xin Bồ tát phù hộ tránh bệnh bớt nạn, thăng quan phát tài, bình an hạnh phúc... Nhưng trong Phật giáo Đại thừa, chỉ có một cách có thể biến đau khổ thành hữu dụng.
Giả dụ như mắc bệnh vốn dĩ là việc vô cùng khốn khổ, nhưng Phật giáo dạy rằng có thể biến bệnh tật thành công đức. Có lẽ một số người không hiểu: “Mắc bệnh thì có ích lợi gì? Không thể nào như vậy được!” Thực ra bản thân chúng ta vốn cực kì ngạo mạn, không bao giờ để tâm đến bất cứ điều gì, nhưng nhờ việc lâm trọng bệnh, ta có dịp thể nghiệm sâu sắc nỗi khổ nhân sinh, đồng thời thay đổi hoàn toàn thái độ, bắt đầu chú ý để tâm tới những điều xung quanh, phương hướng sống cũng có những khác biệt rõ rệt. Khi đó, bệnh tật sẽ đem lại giá trị nhất định. Giống như Milarepa, chính vì bố mẹ bị bức hại, sau này ngài mới có thể đạt được thành tựu lớn như vậy. Do bị chiếm đoạt toàn bộ gia sản, nhằm trả thù nhà, Milarepa đi học huyền thuật và giết hại nhiều người. Sau khi gây ra tội lỗi nghiêm trọng như vậy, ông vô cùng ăn năn, cảm giác bản thân chính là kẻ ác nhân tàn độc nhất thế gian. Ông trải qua muôn vàn khổ hạnh để sám hối về tội ác mà mình đã gây ra, cuối cùng đã đạt được chứng ngộ tối thượng, trở thành nhân vật nổi tiếng lưu danh sử sách. Có thể thấy, nếu hiểu được lợi ích của đau khổ, ta sẽ thu được lợi ích to lớn. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải ngày ngày cầu mong bình an, hạnh phúc, mà có thể ước nguyện có khả năng biến khổ đau, trắc trở, nghịch cảnh thành một điều giúp ích cho chúng ta. Nếu nghĩ được như vậy, dù cho kiếp nạn lớn thế nào, ta cũng có thể chuyển hoá thành hỉ sự.
Tôi từng đọc truyện kí về cuộc đời Marie Curie: Năm 19 tuổi, do bị ngăn cấm không được kết hôn với ý trung nhân, bà suýt nữa đã tự sát. Sau này bà quyết tâm biến nỗi bất hạnh đó thành động lực học tập nghiên cứu. Bà rời khỏi Ba Lan đến Đại học Paris nước Pháp, chuyên tâm nghiên cứu. Thời gian du học là quãng thời gian vô cùng khổ cực, mùa đông lạnh đến nỗi bà không thể ngủ nổi. Có lúc thời tiết quá khắc nghiệt, bà thậm chí phải lấy ghế chèn lên chăn để chống chọi lại cái lạnh thấu xương. Chính những năm tháng khốn khó ấy đã góp phần tạo nên sự nghiệp huy hoàng sau này của Marie Curie. Năm 1903, Marie Curie nhận giải Nobel Vật lí, năm 1911 giành được giải Nobel Hoá học. Một người phụ nữ nhỏ bé hai lần nhận giải Nobel thật hiếm có trong lịch sử. Lí do giúp bà đạt được thành công rực rỡ như vậy không thể không kể đến mối tình tan vỡ năm xưa cùng với những tháng ngày du học vất vả. Không có những khổ đau trước đây thì không thể nào có một Marie Curie tài năng xuất chúng sau này.
Balzac cũng từng nói: “Đau khổ là bước đệm của thiên tài, là gia tài đối với người có năng lực, còn đối với kẻ yếu lại là vực sâu thăm thẳm.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi