Thế nào là chánh pháp? Là pháp còn nguyên vẹn đúng như tinh thần người đã khai sáng (Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni)
Thế nào là tượng pháp? Là bề ngoài thấy còn hình như giông giống, nhưng kỳ thật đã dần sai lệch với chánh pháp nhiều rồi.
Thế nào là mạt pháp? Là pháp đã mất gốc, hầu như không còn ra gì nữa. Nhưng tại sao pháp Phật mà lại có mạt? Tại sao mạt pháp lại là bây giờ? Tại sao toàn thể loài người đang cuốn theo dòng chảy của sự thay đổi và suy thoái? Kinh nói: “Nếu lòng ta là ma, thì Phật có đến Phật cũng hóa ra ma”. Thế thì pháp Phật đã hóa ra pháp ma, con Phật đã hóa ra con ma, lý rất hiển nhiên. Giả sử mỗi chúng ta đừng quên trở lại với chính mình, mà khám phá khai thác tận cùng những gì bí mật trong cái tháp Đa Bảo nầy cho ông Phật Đa Bảo trong tháp được hiển hiện, thì vấn đề mạt pháp còn thành vấn đề nữa không? Thế mới biết: Chánh pháp vẫn đang diễn, chỉ có ta mạt hay không mạt mà thôi.
Tại sao có ba thiên luận nầy ra đời? Tại sao thiên đầu là Huyết mạch, thiên giữa là Ngộ tánh và thiên cuối là Phá tướng? Tướng gì mà phải phá? Mà quả tướng có bị phá không? Hay là phá tướng nghĩa là phá cái tâm ma đóng cứng theo tướng? Đức Bồ Đề Đạt Ma thấy cái gì đó mà để lại ba thiên luận nầy?
Người xưa nói: Đọc sách là để cầu lý. Lý là gương dùng để soi lại lòng người. Thế mới biết: Nếu không dám nhìn nhận sự thật, vì sợ mất cái TÔI, vì mong cầu gom bó cho sự nghiệp của cái TÔI, vì tìm nơi nương gá cho cái TÔI được yên thân, vì muốn tìm chiêu bài để chen lấn tranh đoạt mà đọc ba thiên luận nầy, thì luận nầy chẳng qua cũng chỉ là biến tướng của pháp ma để giúp cho ma lớn ma nhỏ được đủ điều kiện ăn trên ngồi trước thế thôi! Đó là điều người tham học cần biết trước. (Theo HT Thích Minh Thiền)
Quyển sách Tham Thiền là bản dịch và thuyết giảng từ Ba bài luận của Tổ Bồ Đề Đạt Ma của Hòa Thượng Thích Minh Thiền. Ngài thuyết giảng hằng tuần tại chùa Hội Tông, Phú Định vào năm Nhâm Tý 1972. Tài liệu này được đông đảo học giả thời đó tiếp nhận với tất cả sự tôn quý kính ngưỡng. Kể từ đó cho đến sau này, ngoài nhà xuất bản Quế Sơn Võ Tánh có thỉnh ý Hòa Thượng và được cho phép chính thức xuất bản, còn lại có rất nhiều người đã tự phát chuyển thể thành văn viết hoặc gửi đi nước ngoài hoặc đưa lên thư viện sách điện tử... tất cả đều là thành ý muốn được phổ biến rộng rãi, muốn làm lợi ích cho cộng đồng tu học Phật Pháp. Hiện tại bản dịch đã được phải biên tập chỉnh lý cho tác phẩm được thống nhất ngôn ngữ chuyên môn qua văn viết, đúng theo tông môn của Thiền học trong Văn Hiến Y Đạo, hầu giúp cho độc giả được tiếp cận một cách chính thống và có góc nhìn sáng tỏ hơn.
Trích dẫn từ sách:
LUẬN VỀ HỆ THỐNG HUYẾT MẠCH TÂM TRUYỀN
Chánh văn:
• Ba cõi lăng xăng đều từ một tâm. Phật trước Phật sau đều chỉ dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự.
Giảng: Vào câu đầu ta thấy khó khăn, hình như trái chướng với sự thật. Nhưng nếu chúng ta mỗi người hãy dứt hết các duyên, đừng mống lên ý niệm gì cả. Rồi nghiệm thử, hồi chúng ta chưa nghĩ thiện nghĩ ác thì cái gì là tâm, cái gì là tánh, cái gì là vật và bổn tâm bổn tánh của chúng ta là đâu? thì tức khắc thấy câu nầy là đúng sự thật. Nếu ai chưa làm được, cứ tuần tự nghe tới rồi sẽ rõ.
• Có người hỏi: Nếu không lập văn tự, vậy lấy gì làm tâm?
Đáp: Ông hỏi tôi tức là tâm của ông, tôi trả lời với ông tức là cái tâm của tôi. Nếu tôi không có tâm thì lấy đâu biết để trả lời với ông, ông nếu không có tâm làm sao ông biết hỏi tôi.
Thật ra nói như thế này mình thấy khó khăn lắm. Vì nội chữ Tâm không thôi, Á Đông dùng cũng khó phân biệt. Như tim đèn cũng kêu là tâm, mà bổn tánh cũng kêu là tâm. Ta thấy chữ Tâm có nhiều nghĩa không biết lấy đâu làm chuẩn, chứ thật sự bao la vô tận nầy chỉ là bầu năng lực viên quang hồi tụ bao la đi vào tận cùng sự thật. Thế viên chiếu đó tạo ra cái lõi sự vật, trái tim của động vật và guồng máy tâm thức. Tất cả cái đó đều đặt trên nền tảng gọi là linh không vô cực, gọi là bổn tánh linh diệu cũng vậy thôi. Cho nên những cái biết không ngoài cái đó.
• Cho nên biết: hỏi tôi tức là tâm ông đó. Từ lũy kiếp đến giờ, nhẫn đến hành tung hoạt động bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào đều là cái tâm vốn có của ông, đều là Phật vốn có của ông. Cái nghĩa chính tâm mình là Phật là như thế.
Thật ra mình nhìn từ người, mình thấy có người nầy người nọ, có nam có nữ, có trong có ngoài, có tâm có vật, chớ nếu mình buông lỏng ra, đừng kẹt trong cái TÔI thì mới thấy nó tròn hết, không có đâu là xưa đâu là nay, đâu là tâm đâu là vật cả. Cho nên biết nếu quay trở lại, soi vào mình, đừng nghĩ thiện nghĩ ác gì cả, ngay hồi đó sẽ không tìm thấy đâu là vật đâu là tâm. Đó chính là bổn tâm bổn tánh của mình.
• Ngoài tâm nầy, rốt ráo không có Phật nào khác có thể được. Nếu lìa tâm nầy mà tìm Bồ-Đề, Niết-Bàn thì thật là không tưởng.
Nghĩa là: nếu lìa nguồn tâm tánh của chính mình mà tìm Đạo, quyết định không thể gặp được.
• Tánh chơn thật của tự mình không phải pháp nhân pháp quả, đó là nghĩa của tâm.
Thưa, ở đây cũng như nói Phật không phải là cái làm ra. Như thế nghĩa là sao? Là cái làm ra là chúng sanh? Và do đó mà biết cái bây giờ mình có, gọi là chúng sanh. Đây là cái đã lỡ làm ra, và nếu đừng làm cái đó ra thì chính mỗi người là Phật. Cho nên biết Phật không phải là cái làm thêm, làm thêm là chúng sanh. Nói như thế để mỗi người chúng ta đừng lầm tưởng tu là đi tìm Phật, là gặp được Phật. Không thể có gặp Phật, chỉ có khám phá chính con người của mình để đừng bị vướng vào cái rọ của cái TÔI, tức khắc bổn tánh linh diệu xuất hiện. Hồi đó là Phật. Nếu tôi mê dù Phật đến cũng chỉ là ma, khi tôi hết mê dù ma đến cũng là Phật.
• Tự tâm là Niết-Bàn. Nếu nói ngoài tâm có Phật và Bồ-Đề có thể được thì thật là không tưởng.
Thưa, khi chưa có cái TÔI, thì tâm với vật không thành vấn đề. Kẹt vào cái rọ của TÔI, thì một phút quay trở ra tất cả đều đảo điên lộn xộn. Ngược lại, chết đi cái TÔI thì một phút quay trở vào là đâu ra đấy. Chúng ta phải để ý, chúng ta ở trên quả đất tròn, nhìn ra bầu trời, chỗ nào cũng khum khum như một bầu thủy tinh tráng thủy bên ngoài. Do đó khi nhìn ra theo chiều lõm vào của bầu trời thì cái đầu trở xuống. Quay nhìn vào chiều lồi của quả đất thì cái đầu trở lên. Cho nên hễ soi ra là nghịch, soi vào là thuận. Vì thế Phật gọi cái phóng ra là chánh điên đảo, quay trở vào chính con người của mình là chánh biến tri.
• Phật và Bồ Đề ở chỗ nào? Ví như có người dang tay bắt hư không có được gì không? Vì sao thế? Vì hư không chỉ có tên chớ nào có hình tướng! Bắt đã chẳng được. Cho nên nói hư không không thể bắt được. Trừ tâm nầy ra mà tìm Phật rốt rồi không được cũng giống như vậy?
Trong kinh nói: “Phật vốn không tướng, chỉ tùy cái tâm của chúng sanh mà hiện tướng”. Nói như vậy là sao? Nghĩa là bổn lai không có Phật nào khác, chỉ có tâm mình là Phật. Nếu tánh mê thì mỗi người mê một kiểu, mỗi người tưởng tượng ra tướng Phật một kiểu khác nhau. Nên ông Phật của tôi với ông Phật của mỗi quý vị đều có phần sai khác.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi