Thế Chiến Thứ Hai
Trong hai thập kỷ qua, Antony Beevor đã tự khẳng định mình là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Thế chiến thứ hai với hai đầu sách đoạt nhiều giải thưởng là Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945). Với The Second World War (Thế chiến thứ hai), ông tập trung vào một trong những sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ XX: toàn bộ cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai.
Tác phẩm đầy nhức nhối này đưa chúng ta vào một đoạn thời gian đẫm máu, khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 đến ngày V-J tức ngày 14 tháng 8 năm 1945 và hậu quả mà toàn bộ cuộc đại chiến này để lại. Qua những trang sách, Beevor mô tả cuộc xung đột và phạm vi toàn cầu của nó: ở mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi diễn biến, tình hình và nước đi chiến lược của các bên.
Được viết một cách ly kỳ và được nghiên cứu một cách xuất sắc, Thế chiến thứ hai như một bản tường thuật vĩ đại và đầy khiêu khích của Antony Beevor. Tác phẩm này cũng vô tình khẳng định thêm lần nữa rằng tác giả của nó thực sự là một trong những nhà sử học quân sự hạng nhất.
“Các tranh luận xoay quanh chủ đề cuộc đại chiến này bắt đầu từ khi nào cứ thế mà nảy sinh, nhưng Thế chiến thứ hai rõ ràng là tập hợp của nhiều xung đột. Tuy hầu hết là quốc gia đối đầu với quốc gia, song cuộc nội chiến ở tầm quốc tế giữa hai bên tả-hữu cũng thấm đẫm và thậm chí còn chi phối nhiều cuộc chiến trong số đó. Vì vậy, cần phải nhìn lại một số điều kiện dẫn đến điều này, khối mâu thuẫn tàn khốc nhất và hủy diệt nhất mà thế giới từng biết tới.” – Thế chiến thứ hai, trích “Dẫn nhập”
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Thật khó để cho rằng một cuộc chiến tàn bạo đến mức khó tin như vậy lại có thể kết thúc mà không có sự trả thù tàn khốc nào. Bạo lực tập thể, như nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz đã chỉ ra, hủy diệt cả ý nghĩ về một loài người nói chung và mọi lẽ công bằng tự nhiên. ‘Giết người trở nên chuyện bình thường trong thời chiến,’ Miłosz viết, ‘và thậm chí còn được coi là hợp pháp nếu nó được thực hiện nhân danh kháng chiến. Cướp bóc cũng trở nên bình thường, cũng như giả dối và ngụy tạo. Người ta đã biết cách ngủ trong những âm thanh từng đánh thức cả khu: tiếng súng máy, tiếng kêu rên của người sắp chết, tiếng chửi rủa của cảnh sát lôi người hàng xóm đi.’”
– Trích chương “Những thành phố của người chết”
“Trong Thế chiến thứ hai, phải gánh chịu nhiều nhất ở châu Âu là những người bị kẹt giữa hai thế lực chuyên chế và những người “đã chết như hậu quả từ tác động của hai hệ thống”. Từ năm 1933, đã có mười bốn triệu người chết ở Ukraine, Belorussia, Ba Lan, các nước Baltic và các nước Balkan. Một đại đa số trong 5,4 triệu người Do Thái đã bị Quốc xã giết trong thắng lợi giả hiệu của Hitler là đến từ vùng này.
Thế chiến thứ hai, với quy mô toàn cầu của nó là thảm họa do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử. Con số thống kê người chết – dù là sáu mươi hay bảy mươi triệu – đều vượt xa những gì ta có thể hình dung. Con số khổng lồ đó tê tái đến nguy hiểm, như Vasily Grossman thấy. Theo ông, nghĩa vụ của những người sống sót là cố gắng coi hàng triệu hồn ma trong các ngôi mộ tập thể như các cá thể, không phải những kẻ vô danh trong các xếp loại nực cười vì kiểu vô nhân hóa như thế chính là thứ mà những kẻ tội đồ đã cố đạt được.
Ngoài số người đã chết còn có vô số người khác tật nguyền cả về tâm lý lẫn thể xác. Ở Liên Xô, các “samovar” mất chi bị thu gom khỏi các phố. Đó là số phận với sự hiểu ngầm như không còn là người, là thứ mà mỗi người lính Hồng quân sợ hơn cả cái chết. Những người què quặt là một sự gợi nhớ khó chịu rằng có cả một nỗi khổ nằm giữa người hi sinh anh hùng và người sống sót anh hùng tham gia duyệt binh với huân chương trên ngực vào mỗi dịp kỷ niệm.
Mang danh là “cuộc chiến tranh tốt”, Thế chiến thứ hai ám ảnh các thế hệ kế tiếp hơn hẳn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong lịch sử. Nó gợi lên những cảm xúc lẫn lộn vì nó có thể không bao giờ đúng với danh hiệu đó […]. Và mặc dù nó đã kết thúc trong thất bại tan tác cho Quốc xã và phát xít Nhật nhưng chiến thắng rõ ràng đã không đưa đến hòa bình thế giới […].
Một số người cho rằng Thế chiến thứ hai còn có ảnh hưởng bao trùm gần bảy thập kỷ sau khi kết thúc, như vô số sách, phim ảnh và kịch cho thấy, trong khi các bảo tàng vẫn tiếp tục cho ra sản phẩm hồi tưởng. Hiện tượng này không có gì là bất ngờ, giá như chỉ vì bản chất của cái ác dường như luôn đem đến sức quyến rũ không dứt. Lựa chọn đạo đức là yếu tố nền tảng trong bi kịch của con người vì nó nằm ngay giữa trái tim của chính loài người.
Không một giai đoạn nào khác trong lịch sử đem lại một nguồn phong phú như vậy để nghiên cứu các mâu thuẫn, bi kịch của cá nhân và đông đảo mọi người, sự thối nát của chính trị quyền lực, thói đạo đức giả tư tưởng, thói hám danh của các chỉ huy, sự phản bội, ngang trái, sự xả thân, sự tàn ác khó tin và lòng trắc ẩn khó ngờ. Tóm lại, Thế chiến thứ hai thách thức cách khái quát cùng với cách phân loại con người mà Grossman hết sức phủ nhận.
Tuy nhiên vẫn có một hiểm họa thực tế là Thế chiến thứ hai trở thành một điểm tham chiếu nhanh cả cho lịch sử hiện đại lẫn tất cả các xung đột nhất thời. Trong một cuộc khủng hoảng, các phóng viên và chính trị gia đều theo bản năng tìm đến những tương đồng với Thế chiến thứ hai, hoặc là bi kịch hóa tính nghiêm trọng của tình thế hoặc cố cảnh báo kiểu Roosevelt hay Churchill.”
VỀ TÁC GIẢ
ANTONY BEEVOR (Sinh năm 1946)
Sử gia, nhà văn trứ danh người Anh.
Từng có thời gian khá dài phục vụ trong quân đội, sau khi xuất ngũ, Beevor bắt đầu viết sách, chủ yếu là các tác phẩm nghiên cứu có giá trị về các cuộc chiến nổi tiếng trong lịch sử hiện đại.
Ông là giáo sư thỉnh giảng gạo cội của các bộ môn lịch sử, văn học Hy-La cổ đại và khảo cổ học tại các trường đại học ở Anh.
Các tác phẩm nổi tiếng của Antony Beevor:
Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), 1998
Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945), 2002
The Battle for Spain: The Spainish Civil War 1936-39 (Trận chiến cho Tây Ban Nha: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939), 2006
The Second World War (Thế chiến thứ hai), 2012
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi