“Trên đường đến những chuẩn mực khoa học” là cuốn đầu tiên trong chuỗi một số ấn phẩm ra mắt nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm ra đời của Tạp chí Tia Sáng, do Ban biên tập tạp chí tập hợp các bài viết và biên soạn thành.
Ba mươi năm trước, Tạp chí Tia Sáng đã ra đời, phát triển và từng bước trở thành một diễn đàn uy tín của giới trí thức, nơi nhiều học giả và nhà khoa học cất lên những tiếng nói đa chiều và phong phú trên nhiều lĩnh vực với cùng chung mục đích là cống hiến cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một trong những nội dung xuyên suốt và trọng tâm thường xuyên được các nhà trí thức đề cập là hướng tới xây dựng một nền khoa học hiện đại, bởi đây chính là điều kiện tiên quyết cho tương lai văn minh và thịnh vượng của mọi quốc gia.
Đối với thế hệ các nhà trí thức từng trải qua những thập kỷ nền khoa học trong nước bị giới hạn do điều kiện khách quan khắc nghiệt là chiến tranh, đói nghèo, thiếu thốn và bị cô lập, khát vọng của họ về một nền khoa học mạnh càng trở nên mãnh liệt trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng Đổi mới. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển, nền khoa học Việt Nam non trẻ đứng trước vô vàn thách thức, không chỉ về nhân lực và điều kiện vật chất mà cả những hạn chế trong nhận thức của số đông, trong đó có cả các nhà quản lý.
Trong bối cảnh đó, những bài viết trên Tia Sáng với tất cả sự khách quan và khiêm nhường nhưng cũng đầy quyết liệt và dũng cảm, từ các tác giả là những nhà trí thức, học giả, nhà khoa học giàu uy tín trong nước và quốc tế, đã không ngừng bồi đắp và tác động vào nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, vai trò và các giá trị của khoa học, đồng thời không ngừng đưa ra những đề xuất và góp ý nhằm đẩy mạnh quá trình đổi mới trong quản lý khoa học mà đặc biệt quan trọng là ý thức hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Những nỗ lực bền bỉ đó phần nào đã được đền đáp, nhiều ý kiến đã được ghi nhận, mang lại một số chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thực tiễn chính sách, điển hình như việc khuyến khích và thúc đẩy công bố quốc tế trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, việc hình thành cơ chế quản lý quỹ trong khoa học, hay sự ra đời các sự kiện và giải thưởng nhằm nâng cao vị thế của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, sau chặng đường ba mươi năm, thế hệ các nhà trí thức, nhà khoa học đầu tiên gắn bó với Tia Sáng đã dần mai một, nhiều gương mặt đáng kính và gần gũi như Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu… nay đã không còn. Họ để lại những tâm nguyện vẫn còn dang dở khi con đường phát triển và đổi mới để xây dựng một nền khoa học mạnh cho đất nước vẫn còn cả chặng dài phía trước. Ngày nay, số đông các nhà khoa học vẫn đang phải chật vật xoay xở để mưu sinh và sống với nghề; cơ chế quản lý khoa học vẫn tạo nên những gánh nặng, rào cản và sự thiếu hiệu quả; vấn đề tự trị khoa học theo thông lệ quốc tế còn xa vời với nhiều tổ chức nghiên cứu; các giá trị cốt lõi về văn hóa và đạo đức khoa học chưa trở thành chuẩn mực và chưa phổ biến trong cộng đồng.
Nhân dịp ba mươi năm ra đời Tạp chí Tia Sáng, Ban biên tập đã tập hợp các bài viết và biên soạn thành một số cuốn sách, trong đó cuốn đầu tiên mang tên “Trên đường đến những chuẩn mực khoa học”. Cuốn sách này ra đời không ngoài mong muốn là để độc giả hiểu hơn về khát vọng của một thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tri ân những cống hiến không mệt mỏi của họ vì sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Cuốn sách đầu tiên này cũng là sự gửi gắm và khích lệ các nhà khoa học trẻ, trong đó có các cộng tác viên của Tia Sáng, với hi vọng họ sẽ kế thừa và xây dựng thành công một nền khoa học phát triển toàn diện, mang lại những giá trị tốt đẹp cho sự nghiệp khoa học cùng những cống hiến xứng đáng cho đất nước.”
Cấu trúc sách được chia làm ba phần:
Phần một: Những bàn luận về những đặc điểm, giá trị cơ bản của khoa học, những ngộ nhận thường gặp về khoa học.
Phần hai: Ý kiến về những vấn đề trong công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, bao trùm nhiều ngành khoa học cũng như công tác chính sách đãi ngộ cho khoa học.
Phần ba: là những mối liên hệ giữa khoa học và nghệ thuật.
TRÍCH ĐOẠN HAY
Ở nước ta khái niệm khoa học được sử dụng với hàm nghĩa nào? E rằng từ “khoa học” đang hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, khiến cho nội hàm của nó đôi khi trở nên khác biệt với cách hiểu chung trên thế giới. Dường như một công việc có kỹ năng chuyên môn cũng được gọi là khoa học, một số hiện tượng nào được quan sát thấy cũng là khoa học. Khoa học đôi khi còn được đồng nghĩa với chân lý, một khi được phát hiện ra rồi thì mãi mãi đúng. Lầm lẫn phổ biến là đánh đồng khoa học với công nghệ, người ta thường không coi trọng giá trị nhận thức chân lý trong khoa học mà chỉ coi trọng giá trị lợi dụng cho các mục tiêu trước mắt. Một số người muốn tôn vinh các danh nhân khoa học giống như tôn vinh các thánh nhân “tiên tri tiên giác”, một nhà khoa học nổi tiếng dường như có thẩm quyền phán truyền đủ mọi thứ. Đôi khi họ còn đánh đồng các bài báo phát biểu ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng với các công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên môn. Vinh quang của khoa học khiến một bộ phận cũng muốn xưng danh là nhà khoa học, các bằng cấp và chức danh khoa học trở thành thứ có thể mua bán được. Cách hiểu mơ hồ về khoa học cùng với sự ham muốn danh vọng làm méo mó cái paradigm kết nối những người hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta, khiến cho cái paradigm ấy đang càng ngày càng xa cách với cái paradigm chung của các nhà khoa học ở trên thế giới.
CÂU QUOTE HAY
“Khoa học đã trở thành một mỹ từ được mọi người ưa chuộng. Khi người ta bảo một cái gì mang tính khoa học thì giống như dán cho cái đó một nhãn hiệu đảm bảo chất lượng. Thế nhưng có tiêu chí nào giúp ta phân biệt được cái gì là khoa học và cái gì là không khoa học hay không? Trả lời câu hỏi này lại chẳng đơn giản chút nào.”
– GS. Nguyễn Văn Trọng
“‘Trật tự hài hòa’, ‘Tính đơn giản’, ‘Sự nhất quán’, ‘Ma lực’. Đó là tất cả những gì để định nghĩa ‘cái đẹp’ trong khoa học.”
– GS. Trịnh Xuân Thuận
“Việc kết hợp giữa khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, và khoa học xã hội và nhân văn sẽ được thực hiện theo nhu cầu tự nhiên khi toàn bộ hoạt động khoa học được đẩy mạnh, có một môi trường thuận lợi cho tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ và sáng tạo, có nhiều người làm khoa học có tầm mắt vươn ra ngoài địa hạt chuyên môn chật hẹp của mình.”
– GS. Phan Đình Diệu
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.