Trí Tuệ Xúc Cảm
Lý giải tại sao những người kém thông minh lại thành công hơn những người thông minh
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Daniel Goleman tốt nghiệp Đại học Harvard và là nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới. Ông thường được mời giảng tại các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức, là cây bút khoa học cộng tác nhiều năm với tờ báo nổi tiếng The New York Times.
GIỚI THIỆU SÁCH
Một buổi chiều tháng 8, trời New York nóng ẩm khó chịu ở, kiểu thời tiết khiến ai cũng dễ mệt mỏi và ủ rũ. Trên đường về khách sạn, vừa bước lên chiếc xe buýt tại Đại lộ Madison, tôi hơi khựng lại trước nụ cười nhiệt thành cùng lời chào thân thiện của người tài xế da màu trung niên: “Xin chào, hôm nay bạn thế nào?” Đó có vẻ là cử chỉ dành cho tất cả hành khách trên chuyến xe đi qua khu phố trung tâm với mật độ giao thông dày đặc. Chắc hẳn ai nấy cũng đều ngạc nhiên giống tôi nhưng đa số sẽ không đáp lại vì vẫn đang chìm trong tâm trạng nhàm chán cuối ngày.
Nhưng một sự chuyển biến kỳ diệu đã xảy ra khi chiếc xe len lỏi qua những đoạn đường ùn tắc. Người tài xế thao thao bất tuyệt đủ thứ: cửa hàng này đang hạ giá kịch sàn, bảo tàng kia đang tổ chức một buổi triển lãm thú vị, hay rạp phim cuối phố vừa công chiếu một tác phẩm mới,... Sự thích thú và say mê của ông quả có sức lan tỏa ghê gớm. Vẻ ủ rũ trên khuôn mặt hành khách dường như biến mất khi họ xuống xe. Ai nấy đều đáp lại lời chào của người lái xe “Tạm biệt, chúc một ngày tốt lành!” bằng một nụ cười thân thiện.
Ký ức về buổi chiều hôm ấy vẫn in sâu trong tâm trí tôi sau 20 năm. Lúc đó, tôi vừa hoàn thành chương trình tiến sỹ tâm lý học. Nhưng ngành học của tôi ngày ấy hầu như không thể lý giải tại sao lại có sự chuyển biến như vậy do mù mờ về cơ chế của xúc cảm. Hãy thử hình dung, tâm trạng dễ chịu của những hành khách trên chuyến xe đó biết đâu sẽ lan tỏa khắp thành phố. Tôi đã nghĩ người lái xe giống như một vị sứ giả của niềm vui và bậc thầy pháp thuật với quyền năng chuyển hóa tâm trạng người khác, từ cáu kỉnh sang vui vẻ và mở lòng.
Trái lại, báo chí thì thường đăng những tin tức kiểu thế này:
- Trong cơn quá khích, một học sinh 9 tuổi đã đổ đầy sơn lên bàn ghế, máy tính, máy in và phá hỏng cả một chiếc ô-tô tại bãi đỗ xe của một trường học địa phương. Nguyên nhân: cậu bị chúng bạn gọi là “em bé” và muốn chứng minh mình không phải thế.
- Tám thanh niên bị thương sau một vụ ẩu đả bên ngoài câu lạc bộ rap ở Manhattan. Một trong số đó đã xả đạn của khẩu Colt .38 tự động vào đám đông. Nhà chức trách đã cảnh báo tình trạng gia tăng những vụ xả súng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ như vậy trong thời gian gần đây.
- Theo một báo cáo, có đến 57% thủ phạm của các vụ án giết hại trẻ em dưới 12 tuổi là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ kế của nạn nhân. Nhưng trong một nửa số vụ, kẻ thủ ác khẳng định “chỉ muốn dạy dỗ con cái”. Thậm chí có trường hợp trẻ bị đánh chết chỉ vì những “lỗi” hết sức nhỏ nhặt như đứng chắn ti vi, khóc nhè hay làm bẩn tã,...
- Một thanh niên Đức hầu tòa vì hành vi đốt nhà khiến năm phụ nữ và em gái Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi còn đang ngủ. Là thành viên của một tổ chức “tân phát xít” (neo-Nazi), hung thủ khai đã uống rượu say do mất việc và đổ lỗi cho người nhập cư khiến hắn gặp vận đen. Bị cáo van xin trước tòa: “Tôi thực sự ân hận vì tội lỗi mà mình đã gây ra”.
Những tin tức không vui rộ lên như vậy mỗi ngày là minh chứng cho thấy nền văn minh và xã hội của chúng ta đang có dấu hiệu bất ổn, thậm chí suy đồi. Nhưng chúng cũng phản ánh một thực tại đáng lo rằng rất nhiều người đang có xu hướng mất khả năng kiểm soát xúc cảm. Không ai tránh khỏi có lúc bùng phát cơn giận và khi điều đó qua đi thì chỉ còn lại nỗi hối tiếc.
Xã hội đang đối diện với tình trạng bất lực trên phương diện kiểm soát xúc cảm khi xu hướng thờ ơ, tuyệt vọng và liều lĩnh lên ngôi. Những đứa trẻ phải chịu đựng cô đơn thầm kín khi ở nhà một mình với bảo mẫu và tivi, chưa kể còn dễ trở thành nạn nhân của tệ lạm dụng, bạo hành.
Trí tuệ xúc cảm sẽ dẫn bạn đi xuyên suốt hành trình khám phá về khoa học xúc cảm. Chuyến đi nhằm mục đích mang tới cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về những thời khắc phức tạp nhất trong cuộc đời và thế giới xung quanh. Kết thúc hành trình, bạn sẽ hiểu điều đó mang ý nghĩa gì và học cách kết hợp trí tuệ với xúc cảm để có một cuộc đời tốt đẹp hơn cho chính mình lẫn thế hệ sau.
NỘI DUNG
1 Xúc cảm lấn át lý trí
Cô bé Matilda Crabtree 14 tuổi đang muốn làm bố mẹ ngạc nhiên bằng cách trốn trong tủ quần áo để nhảy bổ ra và hét “Ú òa” khi họ về đến nhà sau chuyến thăm bạn bè.
Nhưng thật không may, cả hai vợ chồng Bobby Crabtree lại nghĩ tối đó, cô bé ở nhà bạn. Nghe thấy tiếng động lạ, Crabtree bèn với lấy khẩu súng lục để tìm kiếm “kẻ đột nhập” trong phòng ngủ của Matilda. Khi con gái vừa nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp, Crabtree liền nổ súng, đạn găm vào cổ cô bé và Matilda tử vong sau đó 12 giờ.
Nỗi sợ là một trong những di sản xúc cảm của tiến hóa - thứ khiến con người sẵn sàng đứng lên để bảo vệ gia đình trước mối nguy hiểm. Chính nó đã thôi thúc Bobby lấy súng để đi tìm kẻ đột nhập mà anh tưởng đang nấp đâu đó trong nhà. Nỗi sợ hãi đã khiến anh siết cò trước khi kịp
nhận ra mình đang chĩa súng vào ai, và thậm chí trước cả khi nghe thấy tiếng con gái. Theo các nhà tiến hóa sinh học, loại phản ứng tự động này dường như đã khắc sâu trong hệ thần kinh của chúng ta, bởi trong một khoảng thời gian dài và quan trọng, nó chính là thứ quyết định ranh giới
giữa sống và chết. Đặc tính này cũng được di truyền lại cho hậu duệ giúp duy trì sự tồn tại của giống loài. Nhưng trớ trêu là nó lại dẫn tới thảm kịch cho gia đình Crabtree.
Mặc dù xúc cảm đã từng dẫn dắt con người một cách sáng suốt trong lịch sử tiến hóa lâu dài, nhưng nó dường như đang chưa theo kịp sự biến đổi chóng mặt của xã hội hiện tại. Bất chấp các ràng buộc xã hội, nó vẫn hết lần này tới lần khác lấn át lý trí.
Mỗi xúc cảm đều đóng một vai trò riêng, được xem như những dấu ấn sinh học đặc biệt. Như khi giận dữ, máu sẽ dồn xuống bàn tay trợ giúp việc cầm nắm vũ khí hoặc tấn công kẻ thù; tim đập nhanh và lượng hoóc-môn (như adrenaline) tiết ra nhiều giải phóng năng lượng đủ mạnh để biến thành hành động quyết liệt. Hay khi sợ hãi, máu dồn đến các khối cơ lớn, chẳng hạn xuống hai chân để chạy nhanh hơn, nhưng cũng khiến mặt tái nhợt vì thiếu máu (cảm giác như máu đang “nguội lạnh”). Đồng thời, cơ thể như tê liệt trong khoảnh khắc để não bộ có thời gian phán đoán xem có nên ẩn núp. Mạng lưới thần kinh tại trung khu xúc cảm trong não bộ tiết ra một loạt hoóc-môn khiến cơ thể ở trạng thái cảnh giác và sẵn sàng hành động, tập trung vào mối đe dọa trước mắt hơn là đánh giá xem cần phản ứng như thế nào,...
Những xúc cảm “sục sôi” ở bên ngoài ngưỡng ý thức có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cách chúng ta tri giác và phản ứng lại sự vật, hiện tượng, mặc dù ta chưa hay biết gì về hoạt động của những xúc cảm ấy.
2. Nô lệ của cảm xúc
Theo Aristotle, cần phải có xúc cảm phù hợp, tức là xúc cảm phải tương xứng với hoàn cảnh. Quá thờ ơ, dửng dưng sẽ tạo ra muộn phiền và xa cách; ngược lại, quá xúc động hay cực đoan sẽ trở thành bệnh lý như trầm cảm, lo lắng, cuồng nộ hay rối loạn xúc cảm.
Trên thực tế, chế ngự xúc cảm tiêu cực chính là chìa khóa đem lại hạnh phúc và sự cân bằng, những xúc cảm bị đẩy lên mức cực đoan hoặc kéo dài quá lâu sẽ hủy hoại sự ổn định về tinh thần của ta. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ nên có một loại xúc cảm duy nhất; luôn cười vui vẻ mọi lúc. Vui sướng hay buồn rầu đều đem lại hương vị riêng cho cuộc sống. Một mặt, đau khổ cũng góp phần xây dựng đời sống sáng tạo và tinh thần; mặt khác, đau khổ có thể xoa dịu tâm hồn. Hạnh phúc không có nghĩa là ta cần tránh những cảm giác khó chịu để cảm thấy hài lòng, mà chính là chế ngự những xúc cảm tiêu cực, ngăn không cho chúng chiếm chỗ của tâm trạng vui vẻ. Những người từng trải qua trạng thái giận dữ hay phiền muộn vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc, nếu họ biết bù lại bằng những niềm vui và giây phút tuyệt vời.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cấu tạo của não bộ khiến chúng ta thường không thể hoặc hiếm khi làm chủ được khi nào bản thân bị xúc cảm lấn át hay xác định xúc cảm ấy là gì. Nhưng, chúng ta có thể biết được xúc cảm sẽ kéo dài bao lâu. Xúc cảm buồn bã, lo âu hay giận dữ thoáng qua không phải là vấn đề đáng nói; thông thường, chúng sẽ qua đi theo thời gian và nhờ sự kiên nhẫn. Nhưng khi những xúc cảm này vượt quá mức độ nào đó, chúng sẽ trở thành những nỗi đau khổ cùng cực như lo sợ thường trực, cuồng nộ hay trầm cảm, có thể thôi thúc chúng ta hành động theo bản năng độc ác nhất.
Tuy nhiên, tin tốt là chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự những xúc cảm tiêu cực như lo lắng, u sầu, giận dữ, cuồng nộ, trầm cảm,… ấy.
3. Quan điểm hôn nhân có gốc rễ từ thời thơ ấu
Gốc rễ của những mâu thuẫn xúc cảm giữa vợ và chồng phần nào thuộc về sinh lý, nhưng cũng bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu và môi trường sống giữa hai giới tính. Con gái được tiếp xúc với thông tin về xúc cảm nhiều hơn con trai. Ví dụ ở độ tuổi mầm non, khi kể chuyện cho trẻ, cha mẹ sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm khi nói chuyện với con gái hơn với con trai; hay như khi người mẹ chơi với trẻ sơ sinh, họ thể hiện xúc cảm trước con gái đa dạng hơn. Khi các bà mẹ trao đổi với con gái về chuyện tình cảm, họ thảo luận chi tiết hơn về chính trạng thái xúc cảm đó. Còn với con trai, họ thường nói về nguyên nhân và hậu quả của các xúc cảm như giận dữ (có thể là những câu chuyện mang tính cảnh tỉnh). Điều này phần nào dẫn đến một khác biệt quan trọng khác: phụ nữ trải nghiệm các cung bậc xúc cảm mãnh liệt và biểu hiện rõ rệt hơn nam giới. Theo đó, phụ nữ thường “cảm tính” hơn đàn ông. Sự rạn nứt trong hôn nhân bắt đầu từ đây, khi người vợ cảm nhận được sự vô tâm và phản ứng bằng những lời gay gắt, mang tính chỉ trích, công kích toàn bộ con người thay vì hành động của chồng. Còn người chồng thì cảm thấy mình bị khinh thường.
Trên hành trình đổ xuống con dốc ly hôn, sự khiếm khuyết về trí tuệ xúc cảm dường như là nguyên nhân hiển nhiên. Khi cặp vợ chồng bị cuốn vào vòng xoáy chỉ trích và khinh miệt, phản đòn và im lặng, suy nghĩ đau khổ và ngập chìm trong xúc cảm, năng lực tự chủ, tự nhận thức, sự đồng cảm sẽ hoàn toàn biến mất.
Trong hôn nhân, có nhiều hoặc hầu hết các phản ứng xúc cảm bộc phát được hình thành từ thời thơ ấu mà chúng ta học được từ các mối quan hệ thân thiết nhất hoặc từ cha mẹ. Và vì vậy, chúng ta sẵn sàng áp dụng một số thói quen xúc cảm nhất định, như phản ứng thái quá khi nhận thấy mình bị coi thường hoặc chặn đứng cuộc đối đầu ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên, mặc dù chúng ta từng thề rằng sẽ không bao giờ hành động giống cha mẹ mình.
Không có thói quen xúc cảm nào có thể thay đổi trong một sớm một chiều mà cần kiên trì và thận trọng. Để giữ gìn mối quan hệ hôn nhân, mỗi người cần học cách tự xoa dịu những lời độc thoại nội tâm có xu hướng biến mình thành “nạn nhân vô tội”, đồng thời tranh luận một cách tích cực, mở lòng, bày tỏ và lắng nghe.
Cuối cùng, tôn trọng và yêu thương sẽ hóa giải thái độ đối đầu trong hôn nhân cũng như trong những vấn đề khác của cuộc sống. Một phương thức hữu hiệu để xoa dịu căng thẳng trong cuộc đối đầu là khiến đối phương hiểu bạn sẵn lòng nhìn nhận mọi thứ từ góc độ khác và tôn trọng quan điểm của họ, ngay cả khi bản thân bạn không đồng ý.
4. Quản trị bằng trái tim
Ứng dụng trí tuệ xúc cảm vào công việc là một ý tưởng tương đối mới đối với doanh nghiệp, khiến một số nhà quản lý chần chừ. Nhiều người lo ngại đồng cảm hoặc thương cảm với nhân viên sẽ khiến họ xung đột với các mục tiêu kinh tế của công ty. Có người cảm thấy ý tưởng thấu hiểu xúc cảm của nhân viên dưới quyền thật vô lý vì cho rằng “không thể hòa thuận với tất cả mọi người”. Cũng có người phản đối, cho rằng nếu không thể tách rời xúc cảm, họ khó lòng đưa ra những quyết định “sống còn” trong kinh doanh - mặc dù trên thực tế, họ thường đưa ra những quyết định một cách cảm tính.
Xét trên khía cạnh tích cực, hãy thử nghĩ về những lợi ích do việc thành thạo các năng lực xúc cảm cơ bản mang lại: hòa hợp về xúc cảm với những người chúng ta hợp tác, dễ dàng xử lý bất đồng, không để chúng leo thang theo chiều hướng xấu, dễ dàng đạt tới trạng thái làm việc đỉnh cao. Lãnh đạo không phải là thống trị, mà là nghệ thuật thuyết phục mọi người cùng hướng tới một mục tiêu chung.
Ngoài ra còn có một số lý do tiềm ẩn khiến năng lực xúc cảm trở thành một trong những kỹ năng kinh doanh hàng đầu. Đó là chúng ta cần nhận biết được tầm quan trọng của việc đưa ra những lời phê bình hữu ích, xây dựng bầu không khí coi trọng tính đa dạng và kết nối cá nhân hiệu quả.
5. Xúc cảm ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào
Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện những chất truyền tín hiệu hóa học hoạt động cả trong não bộ và hệ miễn dịch tập trung chủ yếu ở khu vực thần kinh điều khiển xúc cảm. Felten nhận thấy xúc cảm có tác động mạnh mẽ đến hệ thần kinh thực vật, khu vực điều khiển hoạt động của toàn bộ cơ thể, từ lượng insulin tiết ra đến chỉ số huyết áp và hệ miễn dịch.
Trong một nghiên cứu về cơn giận dữ ở các bệnh nhân tim mạch tại Đại học Y Stanford, kết quả cho thấy khi các bệnh nhân nhớ lại những sự việc khiến họ giận dữ, sức bơm của tim giảm 5%. Một số bệnh nhân giảm sức bơm tim đến 7%, thậm chí còn chạm đến ngưỡng nguy cơ mà các chuyên gia tim mạch nhận định là có thể gây thiếu máu cơ tim cục bộ - một chứng giảm áp tim rất nguy hiểm. Quan niệm cũ cho rằng những người hay vội vã, huyết áp cao dễ gặp phải các chứng bệnh tim mạch nay đã không còn đúng. Từ đó chúng ta đã khám phá ra: chính sự nóng nảy mới khiến sức khỏe con người gặp nhiều nguy cơ.
Trong một bài viết về mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tật, đăng tải trên tạp chí Archives of Internal Medicine năm 1993, chuyên gia tâm lý Bruce McEwen của Đại học Yale đã lưu ý hàng loạt tác động, bao gồm: làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch; tăng nguy cơ nhiễm các loại vi-rút; tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim; thúc đẩy sự hình thành bệnh đái tháo đường tuýp 1 và đẩy nhanh diễn tiến đái tháo đường tuýp 2; làm trầm trọng thêm hoặc khởi phát cơn hen. Căng thẳng cũng có thể dẫn đến các vết loét trong cơ quan dạ dày - ruột, khởi phát các triệu chứng của bệnh viêm ruột kết và viêm đường ruột. Bản thân não bộ cũng chịu tác động tiêu cực khi căng thẳng triền miên, bao gồm tổn thương hồi hải mã và bộ nhớ, cũng như khiến thần kinh “hao mòn”.
Trong y khoa, giúp con người quản lý tốt hơn xúc cảm tiêu cực - giận dữ, lo âu, căng thẳng, bi quan hay cô đơn, cũng là một phương pháp phòng bệnh.
6. Lò luyện gia đình
Đã có hàng trăm nghiên cứu chỉ ra việc cha mẹ dạy dỗ con - bất kể là bằng kỷ luật nghiêm khắc hay thấu hiểu và đồng cảm, dù hời hợt thờ ơ hay ấm áp quan tâm, đều có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xúc cảm của đứa trẻ. Trẻ nhỏ rất nhanh nhạy, chúng nhận thức được từng trao đổi xúc cảm tinh tế nhất trong gia đình, vì vậy xúc cảm mà cha mẹ thể hiện với nhau và với đứa trẻ sẽ là những bài học sâu đậm.
Về mặt xúc cảm, có ba kiểu cha mẹ tệ nhất, gồm:
- Hoàn toàn phớt lờ mọi xúc cảm: Những cha mẹ này coi xúc cảm của con cái là không quan trọng hay thậm chí phiền phức và con cần phải tự loại bỏ chúng. Họ không thể biến những khoảnh khắc xúc cảm thành cơ hội để xích lại gần con hơn hay để giúp con học được những bài học về xúc cảm.
- Bàng quan quá mức: Những cha mẹ nhóm này nhận biết được xúc cảm của con, nhưng để mặc con tự xoay xở. Cũng như những người không quan tâm đến xúc cảm của con trẻ, họ hiếm khi ở bên cạnh để chỉ dẫn cho con về xúc cảm. Họ cố gắng xoa dịu mọi cơn buồn bực, và sẵn lòng thỏa hiệp, chiều ý con để cho qua chuyện.
- Coi thường, không tôn trọng cảm nhận của con: Đặc điểm điển hình của kiểu cha mẹ này là luôn không vừa ý với con, dùng lời lẽ cay nghiệt để mắng mỏ hay trừng phạt con. Họ cấm con không bao giờ được tỏ ra tức giận và phải chịu phạt nếu có bất kỳ dấu hiệu ương bướng nào.
Đây là những vị phụ huynh có thể tức tối quát vào mặt con nếu nó cố chia sẻ quan điểm của bản thân: “Đừng có cãi cùn!”
Những cha mẹ thông thái về xúc cảm vẫn có thể hỗ trợ con rất nhiều trong những phương diện sau: học cách nhận biết, kiểm soát và bộc lộ xúc cảm; biết đồng cảm; biết cách xử lý xúc cảm trong các mối quan hệ. Cách giáo dục này có ý nghĩa rất lớn đối với con trẻ. Nhóm nghiên cứu Đại học Washington phát hiện khi cha mẹ thông tuệ về xúc cảm, con cái họ hiển nhiên sẽ hòa hợp, yêu thương và ít căng thẳng với cha mẹ hơn so với con cái của những người xử lý xúc cảm kém. Những đứa trẻ cảm nhận được sự ủng hộ và khuyến khích của cha mẹ trong cuộc sống tin rằng mình sẽ vượt qua những khó khăn. Ngược lại, những trẻ lớn lên trong gia đình thờ ơ, hỗn loạn hay xa cách thường thực hiện nhiệm vụ trong tâm thế thất bại ngay từ đầu.
Trong tất cả các loài, con người là loài mất nhiều thời gian nhất để hoàn thiện não bộ. Thói quen chế ngự các xúc cảm được lặp đi lặp lại ở tuổi thơ ấu và niên thiếu sẽ góp phần hoàn thiện vòng mạch này. Điều này khiến thời thơ ấu trở thành cơ hội quan trọng để định hình các xu hướng xúc cảm trong suốt cuộc đời, những thói quen có được từ thời thơ ấu ăn sâu vào cấu trúc nơ-ron thần kinh cơ bản và sau đó khó thay đổi hơn trong cuộc sống sau này.
Một trong những bài học xúc cảm quan trọng nhất là biết tự an ủi khi buồn rầu. Đối với trẻ nhỏ, sự an ủi ấy đến từ người chăm sóc: ôm ấp dỗ dành khi trẻ khóc. Một số học giả cho rằng tiếp xúc này giúp trẻ học cách làm điều tương tự với chính mình. Trong giai đoạn từ 10-18 tháng, vỏ não trước trán đã hình thành các kết nối với hệ viền não, khiến nó trở thành chìa khóa kích hoạt trạng thái bật/tắt lo âu ở trẻ. Trải qua vô số lần được an ủi, đứa trẻ lại học được cách tự trấn an, củng cố những liên lạc trong vòng mạch kiểm soát xúc cảm cũng như lo âu và do đó, xoa dịu trẻ trong trường hợp buồn rầu.
7. Học cách chữa lành tổn thương bằng xúc cảm
Theo các nhà tâm thần học, những thời khắc sống động và kinh hoàng từ sự kiện nào đó trong quá khứ sẽ trở thành ký ức khắc sâu vào tuyến xúc cảm. Nhưng những bài học xúc cảm cũng như thói quen in sâu trong trái tim từ thời thơ ấu hoàn toàn có thể được tái định hình và sự rèn luyện xúc cảm sẽ diễn ra trong suốt cuộc đời.
Judith Lewis Herman, một bác sĩ tâm thần ở Harvard có công trình nghiên cứu đột phá đề xuất các bước để phục hồi chấn thương tinh thần. Herman đề xuất ba giai đoạn: trước tiên là tạo lập cảm giác an toàn, nghĩa là tìm cách xoa dịu sợ hãi, dễ dàng kích hoạt mạch xúc cảm cho phép sự tái rèn luyện; sau đó là nhớ lại cụ thể cơn chấn thương và giải quyết hậu quả của chấn thương; cuối cùng, trở lại với cuộc sống bình thường.
Bác sĩ trị liệu khuyến khích bệnh nhân kể lại sự kiện càng kỹ càng tốt, không chỉ là những chi tiết mà bệnh nhân đã nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, cảm thấy, mà còn cả phản ứng kinh hãi, ghê tởm, hoảng loạn của mình. Mục đích là thể hiện những ký ức ấy bằng ngôn từ để phân tách và từ đó, sẽ được giải thoát khi nhớ lại một cách có ý thức. Khi đã nói lên những chi tiết cảm nhận được và xúc cảm của bản thân, các ký ức lúc ấy đã được đặt dưới sự kiểm soát của vỏ não mới, khiến phản ứng do các ký ức ấy kích thích trở nên dễ chế ngự hơn. Tập luyện phản ứng xúc cảm phần lớn được thực hiện thông qua việc làm sống lại các sự kiện và xúc cảm nhưng trong một môi trường an toàn hơn với sự đồng hành của bác sĩ trị liệu đáng tin cậy. Điều này giúp xúc cảm tiếp nhận trạng thái mới: cảm giác an toàn khi những ký ức tổn thương tái xuất.
Việc kể lại câu chuyện đôi khi có thể gây ra những nỗi sợ không thể kiểm soát; trong trường hợp ấy, bác sĩ trị liệu phải làm chậm nhịp độ để kìm chế phản ứng xúc cảm của người bệnh ở mức độ có thể chịu đựng được mà không cản trở sự tập luyện.
Việc không ngừng tái thiết và hồi tưởng lại nỗi kinh hoàng của chấn thương chính là phép màu thay đổi phản ứng xúc cảm. Mỗi tiếng còi hụ sẽ không khiến ta hoảng sợ; mỗi âm thanh trong đêm không khiến ta nhớ đến quá khứ kinh hoàng.
Theo Herman, những triệu chứng đôi khi vẫn xuất hiện, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy phần lớn chấn thương đã được hồi phục. Dấu hiệu cụ thể nhất chính là sự giảm bớt những triệu chứng sinh lý xuống mức có thể kiểm soát và tăng khả năng chịu đựng những xúc cảm gắn liền với ký ức chấn thương. Quan trọng nhất là những ký ức chấn thương không bất ngờ hiện lên nữa; thay vào đó, bệnh nhân có thể chủ động nhắc lại ký ức ấy và gạt bỏ chúng như những ký ức bình thường. Cuối cùng, họ tái thiết một cuộc sống mới dựa trên các mối quan hệ vững chắc, đáng tin cậy và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, ngay cả khi thế giới còn đầy rẫy bất công.
8. Cái giá của sự thiếu hiểu biết về trí tuệ xúc cảm
Các dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết và không được dạy về trí tuệ xúc cảm có thể được tìm thấy trong các vụ bạo lực học đường đang ngày càng phổ biến ở các trường học tại Mỹ. Năm 1990, tỷ lệ bắt giữ trẻ phạm tội ở tuổi vị thành niên tăng gấp đôi, tỷ lệ tự sát ở thanh thiếu niên cũng như số trẻ em dưới 14 tuổi là tội phạm giết người đã tăng gấp ba lần. Ngày càng nhiều bé gái vị trong độ tuổi vị thành niên mang thai.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng khuyết thiếu năng lực trí tuệ xúc cảm ở thanh thiếu niên là chứng bệnh tâm lý. Trầm cảm, dù nặng hay nhẹ, cũng gây ảnh hưởng đến 1/3 thanh thiếu niên; đối với các bé gái, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm tăng gấp đôi ở tuổi dậy thì. Tần suất gặp phải rối loạn ăn uống ở các bé gái cũng tăng vọt. Cuối cùng, nếu như tình hình không thay đổi, triển vọng dài hạn cho trẻ em ngày nay kết hôn và có một cuộc sống ổn định, đơm hoa kết trái sẽ ngày càng ít sau mỗi thế hệ.
Những biểu hiện cụ thể cho tình trạng này bao gồm:
Trẻ em biểu hiện xúc cảm kém: khép mình và gặp những vấn đề trong giao tiếp xã hội, lo lắng và trầm cảm, thiếu tập trung và gặp những vấn đề về tư duy, nóng nảy, thích gây hấn; rối loạn thói quen ăn uống; bị cô lập và bỏ học…
Trẻ em không được trang bị tốt những kỹ năng sống cơ bản vì xã hội chưa thực sự quan tâm dạy dỗ chúng những thứ thiết yếu nhất như cách chế ngự sự tức giận và giải quyết xung đột theo lối hòa giải, cũng như dạy các em đồng cảm, xây dựng tình bạn, chế ngự xung động xúc cảm, hay bất cứ kỹ năng trí tuệ xúc cảm căn bản nào. Theo đó, chúng ta đánh mất cơ hội giúp trẻ em phát triển xúc cảm lành mạnh trong quá trình chúng phát triển não bộ.
Phải chăng đã đến lúc dạy những kỹ năng cuộc sống thiết yếu này cho trẻ em? Và nếu không làm điều này ngay bây giờ, bao giờ chúng ta mới làm?
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi