Căn cứ vào lời giới thiệu của tác giả ở đầu cuốn sách, có thể xác định Trúc thư kỷ niên là một bộ sử của nước Ngụy thời Chiến Quốc, được dùng làm đồ tùy táng chôn theo trong mộ của Ngụy Tương vương (hoặc Ngụy An Ly vương). Sau này, đến thời nhà Tấn có một tên trộm mộ tên là Bưu Chuẩn tình cờ đào trộm đúng vào mộ của Ngụy Tương Vương, phát hiện nên bộ sách và nhiều sách khác.
Trúc thư kỷ niên là tên do người sau đặt, gọi “trúc thư” do là sách thẻ tre, các sự kiện được chép theo năm nên gọi là “kỷ niên”. Trúc thư kỷ niên nguyên bản được viết bằng chữ khoa đẩu, sau này được chỉnh lý, sắp xếp và viết lại bằng văn tự đương thời.
Cuốn sách là bản dịch toàn văn Kim bản Trúc thư kỷ niên dựa trên bản in nằm trong bộ Hội khắc tam đại di thư, được in vào năm Vạn Lịch thứ hai mươi hai đời nhà Minh, tương ứng với năm 1594 theo Tây lịch, do Triệu Tiêu biên soạn.
Bố cục cuốn sách gồm hai quyển, được chép theo thể biên niên. Quyển thượng chép các sự kiện từ thời Hoàng Đế Hiên Viên thị đến hết thời nhà Ân; quyển hạ chép việc trong thời nhà Chu, từ Chu Vũ Vương tới năm thứ mười sáu đời Chu Noản Vương.
Nội dung trong sách bao gồm: phần chính văn chép việc theo năm; phần phụ văn chép việc xuyên suốt theo sự kiện, nội dung chủ yếu là bổ sung cho chính văn; phần nguyên chú là phần chú thích gốc trong văn bản, chủ yếu chú thích cho các câu từ có nghi vấn hoặc cung cấp thêm một số thông tin; và phần chú thích của người dịch, ngoài việc giải thích một số từ hay câu mà lời dịch chưa thật sự rõ ý, còn có thêm các ghi chép về cùng sử kiện trong các tài liệu khác.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.