Cuốn sách ghi lại hành trình chinh phục Everest Marathon – một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới của tác giả Phạm Duy Cường, hay còn gọi với cái tên thân mật là Đốc tờ Dẻo. 11 ngày của cuộc hành trình – hơn 42km đường chạy, giá lạnh, oxy loãng, chấn thương, mắc kẹt… gần như là một thử thách không tưởng. Nhưng đối với Đốc tờ Dẻo, Everest Marathon mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi marathon thực sự của cuộc đời.
Thành lập cộng đồng Run4Self – Chạy vì mình, nơi những người yêu thích chạy bộ có thể tham gia, chỉa sẻ kiến thức và đã có rất nhiều những giải chạy đã được sinh ra từ đây. Tham gia một giải chạy và hoàn thành nó đã khó, nhưng để tổ chức thành công được một giải chạy lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Trong Từ Everest Marathon đến Chinh phục Hồ Tây, chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc đua marathon này, cả dưới góc độ của một vận động viên và một nhà tổ chức; từ đó thấu hiểu những vui buồn, khó khăn và lòng trắc ẩn của tác giả trên mỗi cung đường anh đi qua.
Trích đoạn:
Điều kinh khủng nhất mà 14 người chúng tôi phải chịu đựng trong nửa tháng qua chính là việc “say núi” – sốc độ cao. Phân áp oxy giảm dần theo mỗi ngày leo: choáng, nôn mửa, mất ngủ đến mức trầm cảm. Everest hùng vĩ không hề là một ngọn núi hiền lành, tôi hiểu rõ ràng điều đó khi nhìn thấy người ta khiêng một xác người đã đông cứng đi qua ngay trước cửa lều. Và mặc dù chưa leo đến đỉnh, nhưng tôi biết rất nhiều kẻ ngông cuồng đã đến đây để rồi phải bỏ dở giấc mơ chinh phục nóc nhà thế giới của mình. Người ta nói, để chạm vào đỉnh Everest, chặng cuối cùng, nhà leo núi phải vừa đi vừa tránh những xác người đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Thế nhưng, sức cám dỗ của Everest chưa bao giờ giảm sút.
Lều được sử dụng làm toilet là lều dã chiến chuyên dụng, tách biệt hẳn so với các lều khác, nhìn xa trông giống như một bốt điện thoại công cộng, chức năng cũng tương tự nốt, đều là nơi để người ta giải tỏa nỗi lòng.
Lần đầu tiên kéo phéc-mơ-tuya của chiếc lều ấy, một cách hết sức từ từ chậm rãi (vì tay đã cóng chứ bụng thì sốt lắm rồi), tôi thực sự bị ấn tượng với “nội thất” bên trong: Rỗng không! Không có bất cứ một thiết bị nào được lắp đặt. Tất cả được áp dụng “công nghệ thân thiện với môi trường” một cách tuyệt đối. Giữa lều là một cái hố hình chữ nhật, rộng chừng 40cm, dài 50cm, sâu 60cm. Vốn là một kiến trúc sư nên tôi nhanh chóng ước lượng khá chuẩn về kích thước. Sau hố, đám đất được đào lên được giữ lại nguyên vẹn, trên đỉnh cắm một chiếc bay nhỏ đã rỉ sét.
Hướng dẫn sử dụng: Người dùng đứng hoặc ngồi hai bên thành hố, (tuyệt đối không đứng giữa hố nhé), sau khi trút hết bầu tâm sự, nhẹ nhàng với lấy chiếc bay nhỏ xíu phía sau, xúc một lượng đất vừa phải để chôn giấu hết nỗi niềm, một lượng vừa đủ thôi. Ở đây đất quý hơn cả dầu mỏ, thật sự là tấc đất tấc vàng đấy. Thêm nữa, chẳng ai muốn đi đào thêm một cái hố 40x50x60cm khác trong tình huống “cấp bách” cả.
Tiết kiệm là quốc sách, nhé!
Dẻo đã nhận được một câu hỏi giống nhau từ rất nhiều người: “Làm sao để bắt đầu chạy bộ?” – Câu trả lời đưa ra chỉ có một, đó là: Cứ chạy thôi!
Nói thì nói vậy, chứ thật ra việc bắt đầu thực hiện một cái gì đó chưa bao giờ là đơn giản cả. Cứ lấy ví dụ chính bản thân mình thì biết. Đã bao buổi sáng bạn nhìn căn phòng bừa bộn của mình và bảo hôm nay mình sẽ dọn dẹp, rồi đến tối hôm đó lại tặc lưỡi thôi để mai cũng được. Việc chạy bộ cũng tương tự như thế. Tuần này tôi sẽ chạy bộ, nhưng mà còn hợp đồng chưa soạn xong, báo cáo chưa viết, thằng bạn chí cốt lại vừa gọi đi thôi nôi con,… Cứ như vậy, ta trì hoãn. Sức ì của con người là rất lớn, như một cái rễ cọc bám sâu vào lòng đất. Thế nên, để bắt đầu bất cứ việc gì, không chỉ riêng chạy bộ, việc đầu tiên ta cần làm là nhổ bật cái rễ ấy lên khỏi mặt đất. Vậy sức đâu mà nhổ? Câu trả lời chỉ có một từ duy nhất: Muốn! Khi cái “muốn” ấy đủ lớn, ta sẽ tìm ra phương pháp.
Một năm, 30 sự kiện, hơn 500 anh em!
Đó là những con số biết nói về sức lan tỏa của cộng đồng Run4Self! Một năm có bao nhiêu tuần nhỉ? 52 tuần, 30 sự kiện, 365 ngày, hơn 500 anh em bắt đầu nghiệp chạy bộ! Tôi thực sự phấn kích về những con số đó.
“Hãy cho tôi một lý do, tôi sẽ bắt đầu chạy bộ!” – đó chỉ là một lời ngụy biện của một kẻ chưa “xuống hố” mà thôi.
“Hãy đến với cộng đồng Run4Self, bạn có cả ngàn lý do để chạy” – Run4Self trả lời.
Bạn yêu thiên nhiên, hãy tham gia “Run for Environment”. Bạn muốn góp sức trồng cây, sao không thử chạy “Run for Green”, nơi mà mỗi người tham gia chạy sẽ chung tay trồng thêm một cái cây, góp phần bảo vệ môi trường. Bạn quan tâm đến năng lượng sạch, “Run for Green Energy” có lẽ sẽ phù hợp với bạn. Hoặc bạn có thể vừa chạy bộ vừa nhặt rác cùng “Chạy Vì Một Thế Giới Không Rác Thải”.
Tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình đến đây chỉ để chạy thôi sao? Mình có thể làm gì đó cho mỗi nơi mình in dấu chân chứ?
Tặng tiền, tặng quần áo ấm, tặng bữa cơm ngon,… những việc làm ý nghĩa ấy đã được không ít tổ chức thực hiện. Trong đó, có một chương trình thường niên mà tôi rất thích – “Cơm có thịt”. Tôi cũng thiên về hành động thiết thực như vậy hơn là tặng tiền, bởi lẽ ở đây, trên đầu ngọn núi cao, nhiều khi có tiền trong tay cũng chẳng biết mua gì, vì làm gì có cái gì mà mua đâu. Nghĩ thế, tôi mang những chiếc bánh mì từ Hà Nội lên vùng núi Lào Cai để các em ở đây nhấm nháp chút hương vị thủ đô. Các em chắc chưa bao giờ đi đâu ra khỏi bản làng của mình.
Lần đó, Run4Self quay lại Y Tý để thực hiện một “Adventure Running Tour: Y Tý On Cloud”. Trong đầu tôi lúc đó chợt bật lên ý nghĩ: Thay vì đem bánh mì, tại sao mình không đem hẳn lò bánh mì lên đây? Bánh mì ăn rồi sẽ hết, nhưng có lò bánh mì, bà con muốn có bánh ăn lúc nào cũng được. Nghĩ là làm, vì xưa nay tính tôi không thích chần chừ, để lâu mình lại quên mất thì sao. Tôi liên hệ với các bạn trẻ tại đây, tặng họ một lò bánh mì, và cùng nhau nhào nặn nên những chiếc bánh đầu tiên ở vùng đất của mây trời này.
Vào một ngày Hà Nội u ám, tôi nằm liệt trên giường, những nhu cầu cơ bản nhất như vệ sinh và ăn uống cũng không thể tự làm được. Mỗi khi cựa mình, cảm giác như có một dòng điện chạy dọc sống lưng tỏa ra khắp người và tứ chi, đau đớn vô cùng. Tôi không thể tự ngồi dậy hay di chuyển mà phải chịu nằm bẹp tại chỗ như một cái phản thịt vô dụng. Phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của vợ con, nghĩ về viễn cảnh phần đời còn lại của mình sẽ trôi đi theo cách này, tôi cảm thấy thật sự hoảng sợ.
Từ Everest đến với Hồ Tây, nghe có vẻ hơi ngược đời, vì ai lại đi từ khó về dễ, nhưng tôi tin rằng, sau khi đã đọc hết cuốn sách này, các bạn cũng đã phần nào hiểu được hành trình Hồ Tây là hành trình vất vả hơn Everest rất nhiều. Khó không phải ở độ cao hay phân áp oxy thấp, mà khó, vì đó là hành trình tôi muốn đem đến cho rất nhiều người.
Về tác giả:
Ngày 29/5/2017, anh Phạm Duy Cường đã trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục giải đấu khắc nghiệt bậc nhất này. Anh kết thúc quãng đường dài 42.195m với thời gian 7 giờ 47 phút 7 giây.
Nguồn: Café sáng với VTV
Là người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công giải chạy Everest Marathon ở Nepal – cuộc thi chạy ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, những người tham gia phải đối mặt với tình trạng oxy loãng, thời tiết lạnh giá, gió mạnh..., chính vì vậy, Everest Marathon được coi là một trong những giải chạy khắc nghiệt nhất thế giới.
Trở về từ Everest Marathon, Đốc tờ Dẻo nuôi trong mình giấc mơ tạo ra được một cộng đồng yêu chạy bộ, nơi tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, và thế là Run4Self – Chạy Vì Mình ra đời. Từ đây, có rất nhiều giải chạy đã được tổ chức trên khắp mọi miền tổ quốc, cùng với hoạt động chinh phục Hồ Tây được tổ chức mỗi chủ nhật hằng tuần.
Những cuộc thi do Đốc tờ Dẻo tổ chức giờ đây đã không chỉ dừng lại ở tính chất thể thao, rèn luyện sức khỏe, mà còn là những chuyến tình nguyện, hoạt động vì cộng đồng.
Cái tên Đốc tờ Dẻo tác giả tự đặt cho mình như một lời nhắc nhở rằng bản thân phải mềm dẻo, linh hoạt hơn, để mang lại niềm vui cho mọi người; thêm nữa cái chữ Dẻo ấy cũng chính là điều tác giả mong muốn có thể duy trì cho đến cuối chặng marathon của cuộc đời, vượt qua trở ngại, băng qua vạch đích, không chỉ một mình mà cùng rất nhiều người.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi