Phần lớn loài hải âu không muốn tìm hiểu gì thêm ngoài việc làm sao để bay từ bờ đi kiếm ăn rồi bay trở về. Đối với hầu hết hải âu, ăn quan trọng hơn là bay. Nhưng riêng với chàng hải âu Jonathan Livingston, niềm say mê bay lại lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời.
Cuốn truyện “Chàng hải âu kỳ diệu” của nhà văn nổi tiếng người Mỹ - Richard Bach sẽ kể cho chúng ta về cuộc đời của Jonathan, một chàng hải âu mà niềm say mê bay lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Chàng tập bay với nhiều tư thế khác nhau, bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn,... Nhưng đàn hải âu lại không thích chàng làm như thế, chúng coi đó là nỗi nhục nhã, bỏ mặc chàng trong sự cô đơn. Ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng tỏ ra lo lắng trước việc chú suốt ngày đơn độc một mình, hàng trăm lần tập đi tập lại những đường bay chậm là là mặt nước. Nhưng điều đó không làm chàng nản chí, vì sự thật là những con hải âu khác sẽ không bao giờ biết được vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay.
Qua cuộc hành trình của mình, chàng hải âu Jonathan học được một điều: “Thiên Đường không phải là nơi chốn, mà cũng không phải thời gian. Thiên Đường là trạng thái khi ta đạt được toàn thiện”... Nếu ở kiếp sống này ta không học thêm được cái gì cả, thì thế giới của kiếp sống sau sẽ giống hệt như thế giới này... Nhưng nếu ta học cách bay và ta luyện tập đủ tốt, thì ta sẽ ở trên cao hơn những bậc thang không có kết thúc để lên đến Thiên Đường, vì vậy đó chỉ là một bước tiến xa hơn.
Cuốn sách “Chàng hải âu kỳ diệu” do Omega+ phát hành sử dụng bản dịch theo bản cập nhật đầy đủ của nguyên tác Jonathan Livingston Seagull (The Complete Edition) do nhà xuất bản Scribner ấn hành năm 2014 (đã bổ sung thêm chương 4 và Lời cuối). Trong khi các bản dịch khác trên thị trường chỉ dịch đến hết chương 3.
Tác phẩm nằm trong mảng Văn học Kinh điển Thế giới thuộc Tủ sách Đời Người - Tinh tuyển cho người Việt. Tủ sách dành cho mọi thế hệ độc giả, là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt.
Sách được minh họa bằng bộ ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Russell Munson. Đây là bộ ảnh nổi tiếng gắn liền với thành công vang dội của cuốn sách. Bộ ảnh ghi lại nhiều tư thế bay khác nhau cũng như hoạt động của loài hải âu trên bầu trời, nơi biển cả… Bìa sách cũng được thiết kế mới, theo phong cách khác biệt, không dễ lẫn với những ấn bản trên thị trường. Bìa được gia công thẩm mỹ với gáy giả, dập nổi, phù bóng tên sách cùng các họa tiết chính.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
Lời giới thiệu của dịch giả Đăng Thư
""Chàng hải âu kỳ diệu" là một cuốn sách có thân phận khác thường. Bản thảo tác phẩm đã bị nhiều nhà xuất bản từ chối trước khi được xuất bản vào năm 1970, nhưng hai năm sau lại trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo nhật báo The New York Times. Sách bán cả triệu bản, nhưng các kênh phát hành sách tại Mỹ vẫn không xác định được cuốn này thuộc thể loại nào. Có nhà sách trưng bày "Chàng hải âu kỳ diệu" ở kệ sách văn học hay sách nhiếp ảnh, có nơi xếp tác phẩm vào loại sách rèn luyện bản thân hoặc sách tôn giáo, chỗ khác lại gán cho cái nhãn sách dành cho thiếu nhi.
Bất kể mọi cách xếp loại, cuốn sách vẫn tiếp tục được tái bản cho đến nay và được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác. Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt lần đầu tiên vào năm 1973 ở Sài Gòn với nhan đề "Chàng hải âu kỳ diệu" (dịch giả Nguyễn Trọng Kỳ, Tổ hợp xuất bản Hải Âu ấn hành). Tác giả Richard Bach ngay từ đầu đã viết tác phẩm này với bốn phần nhưng lại quyết định loại bỏ phần bốn trước khi giới thiệu bản thảo với các nhà xuất bản.
Năm mươi năm sau, tác giả tìm được bản thảo đánh máy ngày nào của phần bốn đã bị lãng quên. Ông trau chuốt lại và quyết định tái bản cuốn sách ở dạng trọn vẹn như ý tưởng ban đầu trong ấn bản "Jonathan Livingston Seagull" (The Complete Edition) năm 2014. Đây là bản dịch đầy đủ cả bốn phần của tác phẩm theo ấn bản mới.
Lần đầu tiên tôi đọc "Chàng hải âu kỳ diệu" là năm mươi năm trước, lúc là một chú bé tám tuổi, qua bản dịch của Nguyễn Trọng Kỳ. Chú bé ấy đọc vì những bức ảnh trắng đen lạ lùng của nhà nhiếp ảnh Russell Munson lôi cuốn. Chú bé ấy đọc, thích thú, và... không hiểu gì cả! Vì thế chú bé đọc đi đọc lại và tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc mà cuốn sách gợi ra. Ở tuổi đó, tôi không hiểu tại sao việc khổ nhọc luyện bay cao, bay nhanh của chú hải âu Jonathan lại có ý nghĩa gì giá trị hơn việc bay tự nhiên của loài chim biển ấy. Tôi không hiểu sự khác biệt giữa “sống để bay” và “bay để sống” và tại sao chú hải âu kia lại bị hắt hủi, bị xa lánh vì đeo đuổi đam mê bay bổng của mình.
Năm mươi năm sau, đọc lại "Chàng hải âu kỳ diệu" trong vai trò người dịch, tôi sống lại những xúc cảm của chú bé tám tuổi ngày nào. Bao thế hệ những chú bé, cô bé giống như tôi đã khởi đầu chuyến bay khám phá tự thân từ câu chuyện của Richard Bach và những bức ảnh đầy mộng mị của Russell Munson. Cuốn sách không hẳn dành cho tuổi nhỏ, nhưng lại là một câu chuyện ngụ ngôn truyền cảm hứng tích cực cho trẻ em. Ngỡ ngàng, thắc mắc là bước khởi đầu cho hành trình tìm kiếm một ý nghĩa hướng thượng. Ý nghĩa của cuộc đời mình, vượt thoát những hạn chế của bản thân. Ý nghĩa của đam mê và những ước mơ. Quá nhiều điều chất chứa đang đợi chờ một em nhỏ nào đó mở cuốn sách mỏng này ra. Đọc. Và bay lên."
TRÍCH ĐOẠN HAY
Đặc tả tư thế bay của Jonathan & Học trò
- Từ ba mươi thước trên không, chú thòng đôi chân có màng xuống, ngước mỏ lên và cố gồng căng đôi cánh lượn theo một đường cong xoáy vặn cực kỳ khó khăn. Đường cong này có nghĩa là chú sẽ phải bay thật chậm, và bây giờ chú đã bay chậm lại cho đến khi gió chỉ còn là tiếng thì thầm trên gương mặt, cho đến khi biển đứng yên bên dưới. Chú nheo mắt tập trung mãnh liệt, nín thở, cố uốn . . . cong . . . thêm . . . một . . . chút . . . nữa . . . Rồi bộ lông rối xù lên, chú mất lực nâng và rơi xuống.
- Từ độ cao ba trăm thước, vỗ cánh hết sức lực, chú phóng mình vào một đường bay chúi cắm thẳng xuống những con sóng
- Vút lên ba trăm thước. Dốc toàn lực lao thẳng tới trước, rồi vừa đập cánh vừa phóng vào đường bay chúi thẳng đứng. Rồi lần nào cánh trái của chú cũng bị mất lực nâng khi vẫy ngược lên, chú cứ bị lộn nhào sang bên trái, cố lấy lại thăng bằng thì cánh phải lại mất lực nâng, và chú bị hất tung vào một vòng xoáy bổ nhào sang phải.
- Từ độ cao sáu trăm thước, chú lao mình vào cú bay bổ chúi, cắm mỏ thẳng xuống, đôi cánh dang hết cỡ và bất động từ lúc chút vượt qua ngưỡng tám mươi cây số giờ.
- Chú bay lên độ cao sáu trăm thước trên mặt biển đen, và không một chút nào nghĩ đến thất bại và cái chết, chú ép chặt hai thân cánh sát vào cơ thể, chỉ để cho hai đầu cánh hẹp, mỏng nhọn như hai lưỡi dao, vươn ra trong gió, rồi lao mình vào cú bổ nhào thẳng đứng. Chỉ cần vặn đầu cánh một chút xíu thôi, chú đã nhẹ nhàng lướt khỏi cú bổ nhào và bay vèo bên trên những con sóng, một quả thần công màu xám dưới ánh trăng.
- Chú gập chặt thân cánh vào, vươn hai đầu cánh ngắn ra theo một góc nhọn và lao thẳng xuống về phía mặt biển. Khi vượt qua cao độ một nghìn hai trăm thước, chú đã đạt tới vận tốc tột cùng, gió trở thành một bức tường âm thanh rắn chắc đập ngược lại không cho chú bay nhanh hơn chút nào nữa.
- Chú nghếch mỏ vọt thẳng lên trời, tốc độ của chú vẫn ở mức hai trăm sáu mươi cây số giờ nóng bỏng.
- Cậu ta xuất hiện ngay lúc này đây, một hình thù mờ xám đang vụt bay lên từ một cú bổ nhào, lao vút hai trăm năm mươi cây số giờ ngang qua thầy của mình. Cậu ta đột ngột chuyển sang cú quay tròn chậm mười sáu nấc theo chiều dọc, vừa vừa thử lần nữa hô to từng nấc một.
- Và thế là họ từ phía tây bay đến vào sáng hôm đó, tám hải âu bay thành hai hàng xếp thành hình thoi, các đầu cánh gần như chồng lên nhau. Họ băng qua bãi biển Đại Hội Đồng của đàn hải âu với tốc độ hơn hai trăm cây số giờ, Jonathan dẫn đầu, Fletcher lướt êm bên cánh phải, Henry Calvin ngang tàng xé gió bên cánh trái. Rồi toàn bộ đội hình chầm chậm xoay tròn sang phải, như một con chim duy nhất. . . bay ngang. . . rồi . . . đảo chiều. . . rồi. . . bay ngang, gió rít như roi quất. (8 chú hải âu tìm cách để tự do bay lượn, bị đuổi đi đang trở về để thay đổi suy nghĩ của đàn)
- Hải âu Martin William nhỏ bé, trầm lặng, cũng phải ngạc nhiên với bản thân và trở thành một phù thủy tốc độ chậm. Trong làn gió nhẹ nhất, nó có thể uốn cong những chiếc lông vũ để nâng mình từ bãi cát lên tới tầng mây rồi lại đáp xuống mà không cần đập cánh một cái nào.
- Hải âu Charles-Roland đã bay theo Đại Sơn Phong đến độ cao hơn bảy nghìn thước, từ giữa thinh không buốt lạnh lao xuống
- Hải âu Fletcher, kẻ yêu thích những màn nhào lộn trên không như ai, đã chinh phục được cú bay quay tròn chậm mười sáu nấc theo chiều dọc và hôm sau, nó đã làm được thêm cả một cú quay tít ba vòng, bộ lông loé trắng nắng trời
- Biến chuyển tâm lý đặc biệt của Jonathan:
*Sau khi tập bay thành công, Jonathan có những suy tư về sống và truyền tải lối sống tự do cho bầy của mình
“Lúc Hải âu Jonathan nhập vào đàn trên bãi biển thì màn đêm đã bao trùm. Chú choáng váng và mệt kinh khủng. Thế nhưng trong niềm vui sướng, chú đã bay lộn vòng rồi mới hạ cánh, với một cú cuộn tròn theo chiều dọc ngay trước khi chạm đất. Khi họ nghe được chuyện đó, chú nghĩ, nghe về Thành tựu đó, họ sẽ sướng như điên. Bây giờ sẽ có biết bao nhiêu điều khác nữa để sống! Thay cho những chuyến bay lê lết buồn tẻ của ta đến những chiếc tàu đánh cá rồi quay về, giờ đã có một lý do cho cuộc đời! Ta có thể vươn mình thoát khỏi sự ngu muội, ta có thể thấy mình là những sinh vật ưu tú, thông minh và tài giỏi. Chúng ta có thể được tự do! Chúng ta có thể học bay!
Những năm tháng phía trước ngân nga và bừng sáng đầy hứa hẹn.
CÂU QUOTE HAY
Hầu hết hải âu chỉ cần học những điều đơn giản nhất về việc bay – làm thế nào để đi từ bờ đến nơi kiếm ăn và quay lại. Đối với chúng, điều quan trọng không phải là bay mà là ăn. Thế nhưng, với chú hải âu này, không phải việc ăn mà là việc bay mới quan trọng. Hải âu Jonathan Livingston thích bay hơn hết thảy mọi điều.
“Xương với lông cũng chẳng sao đâu, mẹ. Con chỉ muốn biết ở trên không trung thì con có thể làm được gì và không thể làm được gì, vậy thôi. Con chỉ muốn biết.”
Chẳng mấy chốc Hải âu Jonathan lại một mình bay đi, ra tít ngoài khơi, bụng đói, lòng vui, được học hỏi.
“Con sẽ bắt đầu chạm đến thiên đường, Jonathan ạ, ngay lúc mà con chạm đến tốc độ hoàn hảo. Và đó không phải là hàng nghìn cây số giờ, hay triệu cây số giờ, hay bay với tốc độ ánh sáng. Bởi vì bất kỳ con số nào cũng là một giới hạn, còn sự hoàn hảo không có giới hạn. Tốc độ hoàn hảo, con ơi, chính là việc tới đích.”
“Luật duy nhất đúng là luật dẫn đến tự do,” Jonathan nói. “Không có luật nào khác.”
“Tội nghiệp Fletch. Đừng tin vào những gì mắt cậu đang mách bảo. Tất cả những gì đang thể hiện chính là sự giới hạn. Hãy nhìn bằng sự am tường của mình, hãy tìm hiểu xem cậu đã biết được những gì, rồi cậu sẽ biết được cách bay.”
TÁC GIẢ:
Richard Bach sinh năm 1936 tại Oak Park, Mỹ – là cháu trai của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach.
Ông vốn là phi công chiến đấu và thợ cơ khí máy bay. Niềm yêu thích viết lách cùng với niềm đam mê về hàng không khiến hình ảnh máy bay và bầu trời xuất hiện trong hầu hết các cuốn sách của Richard Bach. Ông cũng là một trong số tác giả Mỹ chịu ảnh hưởng bởi triết lý của phương Đông.
Ông là tác giả của mười một đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là Jonathan Livingston Seagull, 1970 (Chàng hải âu kỳ diệu) và Illusions: The Adventures of a Reluctant Messiah, 1977 (Ảo ảnh: Những cuộc phiêu lưu của một kẻ cứu thế bất đắc dĩ).
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi