Tuyển tập Truyện dân gian Do Thái do tác giả Nguyễn Ước tuyển dịch, mang đậm màu sắc văn hóa Do Thái, tinh thần nhân văn của Do Thái giáo.
Văn học dân gian Do Thái có một kho tàng phong phú những truyện mà người ta có thể kể cho nhau nghe dưới mái ấm gia đình, trong cuộc gặp mặt thân hữu và giữa chốn hội đường.
Những truyện dân gian này có màu sắc rất độc đáo và chiều kích thâm sâu. Chúng xoay quanh một cái trục, đó là tuyệt đối vâng phục Thượng đế, tuân giữ nghiêm ngặt lề luật tôn giáo và duy trì niềm tin lạc quan vào sự quan phòng của Đấng tạo hóa.
TRÍCH ĐOẠN HAY
Đọc truyện dân gian của các dân tộc khác ta cảm thấy như vang bên tai tiếng cười khinh khoái, nhưng trong truyện dân gian của người Do Thái, ta còn thấy lấp lánh ý nghĩa đạo đức, cổ vũ việc tuân giữ lề luật, ghi sắc nét dấu vết của phong tục tập quán và tâm tính của dân tộc. Về mặt luân lý, nội dung của truyện dân gian Do Thái có cứu cánh dùng ngôn từ để chuyển chở đạo lý, như chủ trương “văn dĩ tải đạo” của các nhà nho nước ta. Về mặt văn học, có thể xem một số truyện như tiên phong cho vài hình thức sáng tác của văn chương bác học, kể cả các phong trào văn chương hiện đại và hậu hiện đại.
Nếu chủ trương “Văn dĩ tải đạo” của nho gia Việt Nam đặt trọng tâm vào văn chương bác học thì người Do Thái mở rộng đối tượng của nó lên cả văn chương bình dân cùng đưa chúng vào quy điển như sách Talmud, với một thể loại riêng dành cho chúng gọi là midrash. Trên đường luân lạc, người Do Thái mang theo truyện dân gian, vừa trân trọng bảo tồn vừa phát triển thêm để giữ vững bản sắc của dân tộc mình. Và tùy theo loại truyện mà tiềm ẩn các vấn đề mang tính thông điệp khác nhau.
Suốt mấy ngàn năm luân lạc đó, hành trang người
CÂU QUOTE HAY
Bản sắc dân tộc cùng ảnh hưởng bản địa được ghi đậm nét trong văn học bình dân Do Thái, rồi tới lượt phần văn học ấy, mà chủ yếu là hàng chục ngàn truyện dân gian, từ đời này sang đời nọ, thể hiện xuất sắc chức năng của nó.
Cốt lõi là đức tin và lòng kính sợ Thượng đế của họ, tuân giữ nghiêm ngặt lề luật và niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Với truyện của người Do Thái, khi tiếng cười lắng xuống, nó để lại đám mây lãng đãng trên tâm hồn người thưởng ngoạn.
Mục đích chính của tác giả nguyên thủy hay người kể lại thường không phải là chỉ là giúp tiêu khiển mà còn để giảng huấn, và gần như không truyện nào thiếu một vài câu rao giảng.
Người Do Thái tin rằng sở dĩ họ tồn tại là nhờ
THÔNG TIN THÊM
Một số đặc trưng của nhân vật trong Truyện dân gian Do Thái:
Các nhân vật trong truyện dân gian Do Thái thuộc đủ loại người, không chỉ giới hạn trong hai tuyến, một bên yếu thế và một bên đang chiếm thượng phong. Trước hết, hai nhân vật thường được mượn để gắn vào đó các tình tiết hư cấu: đó là Solomon và Elijah.
Solomon là vị vua thứ ba cũng là vị vua hùng mạnh sau cùng trong lịch sử Do Thái. Theo truyền thuyết Do Thái, ông được Thượng đế ban cho làm người khôn ngoan nhất thế gian, thế nên ông là nhân vật chính của các truyện liên quan tới trí tuệ, minh triết.
Elijah là đại ngôn sứ (tiên tri) sống vào thời kỳ đất nước chia đôi: Nam Judah, Bắc Israel. Hình ảnh tiêu biểu cho ông là lửa và lưu huỳnh vì nhiệt tình đả phá các thần linh ngoại đạo và khả năng cứu vớt người bị tai ương, kể cả làm cho kẻ chết sống lại. Trong Kinh thánh, ông không bao giờ chết mà lên trời với chiếc xe vũ trụ bằng lửa. Trong truyện dân gian, ông thường xuống thế, cải trang trong nhiều lốt khác nhau để chữa bệnh hay giúp kẻ lâm cơn túng quẫn.
Thứ ba là các thầy cả; họ xuất hiện trong vô số truyện. Sinh hoạt Do Thái giáo làm nổi bật vai trò của thầy cả như một người uyên bác, khôn ngoan, đạo hạnh và nhà lãnh đạo thật sự của cộng đoàn trong cuộc sống phiêu linh, tuy tản mát khắp thế giới nhưng lại co cụm trong những khu riêng biệt dành cho người Do Thái. Kể từ khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng kéo theo với nó là sự tàn lụi của giới tư tế thì hội đường và thầy cả là tâm điểm tinh thần của Do Thái giáo.
Theo phân loại của Dov Noy, trong truyện dân gian Do Thái thường bao gồm ba loại người:
Thứ nhất, các nhân vật kinh thánh như vua David, Solomon, Abraham, các ngôn sứ Elijah, Jonah, v.v và thêm nữa, các nhân vật lịch sử như Alexander Đại đế, Haman, vua Hồi, vua Ba Tư, v.v..
Thứ hai, giới dân thường, cả giàu lẫn nghèo, như thương gia, thợ lao động chật vật kiếm sống, học giả, sinh viên, người hành khất, bà nội trợ, v.v.. Bên cạnh đó, còn có giới vua quan, công chúa, hoàng tử, quý tộc, v.v nhưng được khai thác về mặt phẩm cách chứ không về cuộc sống giàu sang phú quý của họ.
Thứ ba, thêm một loại nhân vật đặc biệt là quỷ sứ mà theo truyền thống Do Thái, chúng vẫn kính sợ Thượng đế và là thành phần tuân giữ lề luật trong kinh Torah cũng như ham học sách Talmud. Trong các bộ mặt quỷ sứ đó có cả vua quỷ Satan (Ashmodai hay Samael), các tiểu quỷ và nhiều nữ quỷ mà quyến rũ nhất là Lilith, người đàn bà đầu tiên được Thượng đế tạo ra cho Adam, trước Eva, v.v..
Nhân đây, tưởng cũng nói thêm là tuy trong truyện dân gian Do Thái có các thiên thần và sinh vật siêu nhiên tí hon, nhưng không có thần tiên, vì cơ bản Do Thái giáo có tính độc thần, và nội dung truyện không đi ngược lại các niềm tin tôn giáo của họ. Họ cũng có các truyện loài vật tuy ngắn nhưng mang tính luân lý rõ rệt.”
(Trích Phụ lục: Khái quát về đặc điểm và nguồn gốc của Truyện dân gian Do Thái)
(Nguyễn Ước)
Tính hài hước trong Truyện dân gian Do Thái:
“Cho tới nay, suốt bốn ngàn năm lịch sử, Israel chỉ có hai giai đoạn hoàng kim cộng lại được khoảng 160 năm. Một dưới thời David - Solomon (1010-931 TCN) với ánh sáng của Ngôi sao David tỏa sáng bên một vùng trời Địa Trung Hải. Một dưới triều đại Hasmonea (140-63 TCN) với “hạt lúa mì lớn tướng như hạt đậu, hạt lúa mạch như trái ô liu và đậu lăng như những đồng tiền vàng.” Còn ngoài ra là tản mát, lưu đày, chiến tranh, chia cắt, bị đô hộ, sách nhiễu, giết chóc, và lang thang khắp thế giới kể từ khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng vào năm 70. Suốt ngần ấy ngàn năm, khắp nơi người Do Thái là một thiểu số bị ngược đãi. Làm thế nào một dân tộc chịu đau khổ đến thế lại phát triển được một truyền thống trào phúng? Eva Tal trong cuống Double Crossing (Gạch chéo, 2009) đã liệt kê những nguyên nhân bà sưu tầm được:
1. Kinh thánh chứa đựng những ví dụ về trào phúng và mỉa mai, cách riêng trong tác phẩm của các ngôn sứ;
2. Hệ thống lập luận mang tính trí tuệ vốn phát triển trong sách Talmud khi nó lên tới cực điểm thì có thể đạt tới mức khôi hài và trở thành đối tượng thích hợp để châm biếm, trào phúng.
3. Các cộng đồng Do Thái cô lập và bị sỉ nhục ở châu Âu ấp ủ một truyền thống mang tính bình đẳng chủ nghĩa, cho phép chế nhạo người có của cải hay có quyền lực, và sử dụng hài hước như một cách tự phê. Thông thường, trong tiệc cưới Do Thái, có một người đóng vai hề theo kiểu cung đình để trêu ghẹo mọi người;
4. Hết ngày này sang tháng nọ đã phải tự mình xoay xở trên vùng đất di cư, lam lũ kiếm sống và lo âu đủ thứ, lại còn nghe nhắc đi nhắc lại lời hứa xa xôi về một thế giới lý tưởng sẽ xuất hiện khi có sự giáng lâm của Đấng Cứu thế, khiến người bình dân không khỏi có cảm giác ngậm ngùi lẫn mỉa mai.
Thế nhưng, theo Eva Tal, sau khi đọc thêm những giải thích khác còn phức tạp hơn nữa, bà thấy hầu như tất cả đều bỏ qua một câu trả lời rõ rệt nhất, đó là càng chịu đựng gian khổ, càng dễ tìm thấy có cái gì đó buồn cười. Và người ta khó có thể tin rằng ngay trong các trại tập trung Holocaust, tù nhân vẫn có những lúc trêu chọc nhau với các truyện cười.
Quả thật trên con đường đời mà mọi lứa tuổi cùng đi bên nhau, người nào cũng có thể cảm thấy quá dài khi bị lâm vào tình thế phải chịu đựng, nhưng con đường sẽ ngắn hơn, tâm tư sẽ nhẹ nhàng hơn khi ta đi bên cạnh một bạn đồng hành biết kể chuyện vui. Vì lúc đó ta như được cõng đi qua cuộc đời. (Truyện Thiếu nữ thông thái hơn cha, Kho tàng truyện dân gian Do Thái).”
(Trích Phụ lục: Khái quát về đặc điểm và nguồn gốc của Truyện dân gian Do Thái)
(Nguyễn Ước)
Lời nói đầu:
“Đọc lịch sử loài người, ta thấy Do Thái là một dân tộc có cuộc sống phiêu linh nhất. Cách đây khoảng 3.300 năm, bốn chục vạn người Do Thái từ nơi phải sống đời nô lệ là Ai Cập cùng nhau vượt thoát, băng ngang biển và sa mạc, đi về miền đất hứa Canaan – nay là xứ Palestine – để bắt đầu quá trình hình thành một quốc gia. Mới lập quốc được ba trăm năm, xứ sở trên đó sinh sống 12 chi tộc Do Thái bị Đế quốc Assyria xâm chiếm, mười chi tộc ở Israel miền bắc tứ tán rồi thất lạc mãi mãi, còn hai chi tộc ở Judah miền nam bị lưu đày sang vùng đất Lưỡng Hà.
Nhờ sự trỗi dậy của Đế quốc Ba Tư, một bộ phận người Do Thái từ Babylon được phép trở về xây dựng lại Đền thánh Jerusalem, nhưng đất nước vẫn bị hết ngoại bang này tới ngoại bang khác đô hộ. Sang thời cai trị của Đế quốc La Mã và chịu ảnh hưởng rực rỡ của văn hóa Hy Lạp, hàng triệu người Do Thái sống tản mát khắp các đô thị Hy – La lớn quanh bờ Địa Trung Hải. Sau khi Đền thánh Jerusalem bị quân La Mã triệt hạ vào năm 70 sau Công nguyên, hầu hết người Do Thái rời bỏ vùng đất Palestine, lưu vong khắp các đại lục. Mãi tới những năm giữa thế kỷ 20, họ mới tái lập được quốc gia Israel, nhưng tính tới nay, chỉ có khoảng 6 triệu người Do Thái từ khắp nơi trở về định cư, còn hơn 10 triệu người khác vẫn tiếp tục sống tha hương.
Suốt mấy ngàn năm luân lạc đó, hành trang người Do Thái mang theo trong tâm hồn là tín ngưỡng và hành lý bên mình là kinh điển và văn học. Cốt lõi là đức tin và lòng kính sợ Thượng đế của họ, là tuân giữ nghiêm ngặt lề luật và niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cuộc sống cô lập trong hoàn cảnh triền miên bị sách nhiễu và chịu đựng vô số lần bị bách hại cả thể xác lẫn tinh thần khiến người Do Thái co cụm và bảo tồn được bản sắc của mình. Tình trạng lưu lạc ấy cũng làm cho họ không tránh khỏi bị ảnh hưởng ít nhiều từ các nền văn hóa xứ người, trong đó bánh xe của từng cộng đoàn Do Thái lăn qua hay đậu lại. Bản sắc dân tộc cùng ảnh hưởng bản địa được ghi đậm nét trong văn học bình dân Do Thái, rồi tới lượt phần văn học ấy, mà chủ yếu là hàng chục ngàn truyện dân gian, từ đời này sang đời nọ, thể hiện xuất sắc chức năng của nó.
Đọc truyện dân gian của các dân tộc khác ta cảm thấy như vang bên tai tiếng cười khinh khoái, nhưng trong truyện dân gian của người Do Thái, ta còn thấy lấp lánh ý nghĩa đạo đức, cổ vũ việc tuân giữ lề luật, ghi sắc nét dấu vết của phong tục tập quán và tâm tính của dân tộc. Về mặt luân lý, nội dung của truyện dân gian Do Thái có cứu cánh dùng ngôn từ để chuyển chở đạo lý, như chủ trương “văn dĩ tải đạo” của các nhà nho nước ta. Về mặt văn học, có thể xem một số truyện như tiên phong cho vài hình thức sáng tác của văn chương bác học, kể cả các phong trào văn chương hiện đại và hậu hiện đại.
Khi biên soạn bộ sách này, chúng tôi cố gắng sao cho dung hòa được hai tính cách bác học và bình dân. Bạn đọc sẽ thường bắt gặp rất nhiều truyện tuy rất thú vị nhưng không nhẹ phần đạo đức, và thêm nữa, nặng phần tâm linh, khiến khi vừa dứt tiếng cười hay thỏa mãn óc tưởng tượng, ta cảm thấy còn đọng lại điều gì đó trong tâm tư và không khỏi bâng khuâng nghĩ ngợi.
Trong hàng ngàn truyện dân gian Do Thái sưu tầm được, chúng tôi chủ quan tuyển dịch 300 truyện, làm thành một kho tàng bát ngát hương sắc, rồi đem trưng bày vẻ đẹp của chúng trước đôi mắt người thưởng ngoạn. Trong 300 truyện đó, dưới sự hỗ trợ của Ban Biên tập Tủ sách Đời người thuộc Thương hiệu sách Omega Việt Nam, chúng tôi lại đặc biệt tuyển chọn ra gần 100 truyện phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là với trẻ em.
Chính vì hướng tới đối tượng độc giả nhỏ tuổi, nên tuyển tập Truyện dân gian Do Thái này được chúng tôi cấu trúc như sau:
1. Dựa theo chủ đề hoặc bối cảnh không gian và thời gian của mỗi truyện, các truyện dân gian vẫn được chúng tôi đặt gần nhau, một cách tương đối.
2. Cuối mỗi truyện, thay vì phần Ghi chú chi tiết về xuất xứ, hệ thống chú thích tỉ mỉ cùng sự đối chiếu một số truyện Do Thái với truyện dân gian hay cổ tích hay giai thoại của Việt Nam hoặc Trung Hoa, Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo, như trong bộ ba cuốn Kho tàng truyện Dân gian Do Thái, ở tuyển tập này chúng tôi chỉ xin giữ lại các cước chú về bối cảnh cùng nhân vật lịch sử hay nhân vật Kinh Thánh (nếu có). Vì tuy nội dung truyện chủ yếu hư cấu nhưng thường liền lạc với tính cách của nhân vật ấy trong một bối cảnh xã hội nhất định. Quan trọng hơn cả là các chú thích về Do Thái giáo, biến cố lịch sử, phong tục tập quán, v.v. như một cách đặt đóa hoa giữa lá cành của nó, để tạo khung cảnh cho người thưởng ngoạn. Chúng tôi cũng đã cố gắng giản lược các chú thích này so với chú thích trong bộ 3 cuốn Kho tàng truyện Dân gian Do Thái để các em nhỏ có thể dễ dàng nắm bắt.
3. Ở cuối sách có mấy trang Phụ lục, mang tính tiểu luận, trình bày khái quát về đặc điểm và nguồn gốc của truyện dân gian Do Thái, như một tham góp giúp bạn ngắm nhìn bao quát vườn hoa đậm đà hương sắc này.
4. Cách vài ba truyện, chúng tôi thường kèm theo một hình ảnh nhỏ và đơn giản, có tính Kinh Thánh, để gợi óc tưởng tượng và góp phần điểm tô cuốn sách.
Chúng tôi ao ước bạn đọc đang cầm trên tay tuyển tập Truyện dân gian Do Thái này sẽ cảm thấy thú vị khi thưởng ngoạn, và nhờ thế, có nhu cầu tìm tới tổng tập Kho tàng truyện Dân gian Do Thái để làm thành một cái nhìn tổng thể về truyện dân gian Do Thái nói chung, và đặc biệt về lịch sử của người Do Thái và Do Thái giáo.
Sau hết là lời cảm ơn của chúng tôi gởi tới bạn đọc đã ái mộ Truyện dân gian Do Thái nói chung. Và lòng biết ơn bằng hữu và thân nhân cũng như Ban Biên tập Tủ sách Đời người - Công ty CP sách Omega Việt Nam, đã khích lệ tinh thần cùng giúp đỡ cụ thể trong quá trình biên soạn và ấn hành.”
NGUYỄN ƯỚC
Một số truyện nổi bật:
Các truyện liên quan đến vua Solomon (Shlomon)
Trí khôn của con chim
Đưa cái ông muốn
Con ngựa mắc kẹt trong bùn
Bảy năm tốt lành
Đủ rồi!
Rồi thì cũng qua
Vài chuyện ở phố chelm
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi