Theo truyền thuyết Á Đông, uyên ương là đôi chim yêu thương nhau thắm thiết, bay đi nơi đâu hay đậu lại chỗ nào cũng phải liền cánh. Khi một trong đôi uyên ương lìa đời, con còn lại cất tiếng kêu thương quạnh quẽ đến mỏi mòn nhỏ hết máu tim mình.
Uyên ương gãy cánh chính là khúc hoan ca rạo rực của một tâm hồn mới bắt gặp tình yêu và rồi trở thành tiếng thảm thiết tiếc nuối của một linh hồn vừa đánh mất người yêu, nghe như âm thanh thê lương của loài chim trong đôi bạn trống mái uyên ương khi con chim kia bỗng dưng gãy cánh.
Trong Uyên ương gãy cánh, tình yêu đối với Gibran và Selma, người nữ nhân vật chính, là chân lý, cái đẹp, Thượng đế, là trọn vẹn xác hồn cùng sự sống của đôi lứa, là mọi sự trên trần thế, niềm tưởng tiếc khôn nguôi và lời hẹn hò son sắt tới quá bên kia cái chết. Tình yêu ở đây không hoàn toàn mang tính lý tưởng cao thượng tinh thần hoặc nhuốm mùi nhục cảm tục lụy nhưng nó kết hợp linh hồn, làm biến đổi tâm hồn và thăng hoa tâm linh của hai kẻ yêu nhau. Tình yêu mang đôi nam nữ gắn vào nhau hai nửa phần thất lạc để đích thực thể hiện nhân tính, làm toàn mãn thiêng liêng tính và cùng sống với Thượng đế giữa trời cao đất thấp.
Về Tủ sách Đời người: Dự án Tủ sách Đời người đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách có giá trị trường tồn với các tiêu chí quen thuộc, phổ biến, dễ tiếp nhận đối với đại chúng, được hệ thống hóa nương theo nhu cầu của các thế hệ độc giả. Tủ sách hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
Kể từ lúc xuất hiện, Uyên ương gãy cánh tạo được ảnh hưởng sâu rộng ở cả Đông lẫn Tây. Người phương Tây nếm trải không khí lãng mạn và huyền nhiệm phương Đông. Phụ nữ phương Đông, đặc biệt trong thế giới Ả Rập, lần đầu tiên có cơ hội xác định bản sắc chính đáng của người nữ trong tình yêu và hôn nhân, nghĩa là trong tự thân một cuộc sống có nhân vị.
… Với những trang sách chan chứa tình người, tràn ngập hình ảnh thơ mộng, sóng sánh chất thơ và bát ngát hương vị cảm xúc, Uyên ương gãy cánh mang tình yêu xuống chiều sâu thẳm tận đáy hồn người với những lý luận ngọt ngào của trái tim, và nâng tình yêu lên độ cao nhất, bất diệt với thực tại siêu việt. Từ đó, người đang yêu đọc nó và mỗi sớm mai “Được thức dậy lúc rạng đông với con tim chắp cánh, đưa lời cảm tạ vì có thêm một ngày yêu thương nữa”.
TRÍCH ĐOẠN HAY
Selma là người dạy tôi thờ phụng cái đẹp bằng nhan sắc chuẩn mực của nàng và vén lộ cho tôi bí mật tình yêu bằng lòng thương cảm của nàng. Nàng là người đầu tiên hát cho tôi nghe những bài thơ của cuộc đời chân chính.
Người tuổi trẻ nào khi nhớ lại mối tình đầu của mình và ra sức nắm bắt trở lại giờ khắc lạ thường ấy thì hồi ức đó làm thay đổi cảm xúc sâu xa nhất của y khiến y cảm thấy quá đỗi hạnh phúc, bất chấp mọi đắng cay trong bí nhiệm của nó.
Cuộc đời người tuổi trẻ nào cũng có một “Selma”, kẻ hốt nhiên xuất hiện với y giữa mùa xuân cuộc đời, chuyển biến nỗi cô đơn của y thành những khoảnh khắc hạnh phúc và làm những đêm dài tịch mịch của y chan chứa âm nhạc.
CÂU QUOTE HAY
● Cái đẹp làm tâm trí chúng ta bối rối. Chúng ta không có khả năng diễn đạt nó bằng ngôn từ. Nó là một cảm giác mắt chúng ta không thể thấy; nó bắt nguồn từ người ngắm nhìn và kẻ được ngắm nhìn.
● Tình yêu là sự tự do độc nhất trên thế giới này vì nó làm thăng hoa tinh thần tới độ luật lệ loài người và các hiện tượng thiên nhiên không thể làm lệch dòng chảy của nó.
● Những kẻ không được tình yêu ban cho đôi cánh, không thể nào bay đằng sau đám mây của những vẻ bên ngoài để thấy thế giới diệu kỳ.
TÁC GIẢ
● Kahlil Gibran (1883-1931) là tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh với cung giọng ngôn sứ và triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Ông sinh tại làng Bsharri, thuộc vùng núi miền Bắc Li-băng.
● Gibran là tác giả được đại chúng đọc nhiều nhất và được thảo luận rộng rãi nhất trong thế kỷ 20. Theo thống kê của giới xuất bản sách, Gibran là thi sĩ có số lượng độc giả đông vào hàng thứ ba, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử. Danh tiếng và ảnh hưởng của ông vượt qua thế giới Ả Rập. Về mặt triết học, ông được xem như một triết gia đại chúng và là điểm hội tụ của tư tưởng Đông – Tây.
● Ký họa và tranh màu của Gibran được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.
● Gibran qua đời năm 1931 tại New York. Buổi tiễn biệt ông trên sân ga New York có đại diện của nhiều tôn giáo lớn.
● Tác phẩm nổi tiếng:
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi