Từ lúc chúng ta bắt đầu có nhận thức về thế giới này, chẳng phải chúng ta đã tiếp thu những “cử động của chính bản thân mình” trong vô thức hay sao. “Ngồi”, “đứng”, “đi lại”, v.v.. Chúng ta cho những hành động ấy là tự nhiên và có lẽ cũng chưa từng một lần ý thức về cách sử dụng cơ thể của chính mình.
Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người biết cách sử dụng tốt cơ thể của bản thân không nhiều. Kỳ thực, những cử động của cơ thể bạn hiện tại đã được điều chỉnh lại dựa trên các giác quan, bằng cách quan sát và nhớ những hình ảnh từ người lớn xung quanh, đồ chơi hay từ sách tranh, tivi ngay từ lúc còn nhỏ. Những mô phỏng này cho tới khi chúng ta trưởng thành vẫn không được điều chỉnh, chúng ta vẫn giữ nguyên những hành động non nớt ấy cho tới tận bây giờ.
Phần lớn mọi người đều cảm thấy càng lớn tuổi cơ thể càng “dễ mệt mỏi”, “mãi không hết mệt” và đa phần đều từ bỏ ý định cải thiện tình trạng ấy chỉ vì cảm thấy đây là vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, liệu vấn đề có thực sự là do tuổi tác hay không? Không. Chắc chắn không phải như vậy. Đó là do chúng ta đang lựa chọn “cách hoạt động gây mệt mỏi” thông qua những “ngộ nhận” mà ta không thể ý thức được và những “cách sử dụng cơ thể” thiếu chuyên nghiệp vẫn được áp dụng trong vô thức. Và nếu đã có “cách hoạt động gây mệt mỏi” thì chắc chắn cũng sẽ có “cách hoạt động không mệt mỏi”. Trước khi từ bỏ ý định cải thiện vấn đề vì cảm thấy mệt mỏi do tuổi tác là điều không thể tránh khỏi, bạn cũng nên một lần nhìn lại “cách sử dụng cơ thể của chính mình”.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cập tới những hành động mà mọi người thường cảm thấy “Khó khăn = Mệt mỏi” trong cuộc sống thường ngày, đồng thời đối chiếu với cấu tạo vốn có của cơ thể và giới thiệu những “cách sử dụng cơ thể không mệt mỏi”. Hy vọng thông qua cuốn sách nay, bạn có thể làm dịu bớt dù chỉ là chút ít những “mệt mỏi” của bản thân.
Mục lục:
Tại sao chúng ta lại mệt mỏi?
Bạn có cho rằng “Xương sống nằm sát về phía lưng” hay không?
Bạn có cho rằng “Gốc cánh tay là vai” không?
Bạn có cho rằng “Hướng đứng lên là hướng lên trên” không?
Lời mở đầu
Chương 1: Cơ thể mệt mỏi là do “lực lãng phí” hoạt động trong vô thức
Chương 2: Biến những hoạt động mệt mỏi tại nhà trở nên “nhẹ nhàng” hơn
Chương 3: Biến những hoạt động mệt mỏi khi đi ra ngoài thành “nhẹ nhàng” hơn
Chương 4: Biến những trăn trở về cơ thể thành “nhẹ nhàng” hơn
Lời kết
Trích đoạn nội dung:
Tư thế mệt mỏi và tư thế thoải mái
Thông thường, khi nhắc đến “tư thế chuẩn”, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh “đứng nghiêm”, thẳng lưng. Cũng không ít người luôn cho rằng đây là tư thế cân bằng, thoải mái cho bản thân.
Thực tế, tư thế “đứng nghiêm” lại cực kỳ “mệt mỏi”. Để chứng minh cho điều này, bạn có thể thử đứng nghiêm trong 30 phút, chắc chắn các cơ ở lưng hay chân sẽ vô cùng căng mỏi.
Người ta thường nói tư thế chuẩn là khi dựa lưng vào tường thì bốn điểm là sau đầu, lưng, mông và gót chân có thể chạm được tường, tuy nhiên tư thế này lại đi ngược lại với cấu tạo vốn có của cơ thể con người. Nếu để ý đến cấu tạo cơ thể người, ta sẽ thấy phần mông có nhiều cơ thịt và lớp mỡ dày nên vốn dĩ sẽ có dáng cong vểnh hướng ra ngoài, do đó nó không thể nào nằm trên cùng một đường thẳng với lưng hay sau đầu.
Nếu cố ý duỗi thẳng lưng lên để bốn điểm đều chạm tường, bạn sẽ khiến trọng tâm toàn cơ thể dồn ra sau, khi đó các cơ ở lưng sẽ bị kéo căng, dẫn đến mệt mỏi.
Như vậy, tư thế mệt mỏi là tư thế dùng các cơ để nâng đỡ cơ thể. Tuân theo cấu tạo tự nhiên của cơ thể, không dùng lực lãng phí và đứng bằng xương, đây mới chính là tư thế thoải mái thực sự.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi