Tác giả: Lê Tú Lệ
Lê Tú Lệ
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Nơi sinh: Hà Nội
Nguyên quán: Mỹ Tho, Tiền Giang
Các tác phẩm đã in:
Tập thơ: Giấc mơ (1993); Gươm đàn nửa gánh (1996); Lỡ tay rượu đổ thềm người (2002); Mờ khơi dong vút cánh buồm (2014)
Tập tiểu luận – phê bình: Văn học nghệ thuậ - Đôi điều nói lại (2011, tái bản có bổ sung 2020)
Tập bút ký - tiểu luận: Những ngày không gió (2016)
Trường ca: Thành phố khát vọng (2019)
Văn học nghệ thuật – Đôi điều nói lại
“Cái tôi sáng tạo” của văn nghệ sĩ mà tách rời trách nhiệm công dân, chối bỏ chức năng kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần vì lợi ích dân tộc thì tất yếu “cái tôi sáng tạo” ấy sẽ bị đào thải. (Văn học nghệ thuật – Đôi điều nói lại)
LỜI TỰA
Cứng cỏi bấy thứ đàn bà xứ Gò Vấp”. Câu ấy trong bài “Cổ Gia Định phú” (khuyết danh?), là câu ca ngợi khí tiết của phụ nữ vùng đất Sài Gòn – Gia Định khi xưa.
Quả thật là, mấy thế kỷ sau câu phú ấy, gan góc, tâm huyết… của phụ nữ Gia Định – Sài Gòn, phụ nữ miền Nam càng tỏ rạng trong đấu tranh, trong giữ nước và dựng nước.
Những phụ nữ ta biết trong đấu tranh yêu nước có rất nhiều. Nhưng trong văn hóa – văn nghệ thì còn ít. Tuy ít, nhưng vẫn có và đặc sắc.
Trong lĩnh vực lý luận – phê bình, sáng tác văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi biết, tiếp xúc một số cây bút, trong đó có chị Lê Tú Lệ, công tác ở Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Chị vốn là một người làm thơ, đã in vài thi tập. Chị cũng là một luật gia. Nhưng chị rất quan tâm và tâm huyết với tư tưởng và văn hóa – văn nghệ. Không những quan tâm, chị còn viết nhiều bài. Phải nói ngay rằng, đây là việc rất không dễ dàng. Cái việc lý luận, phân tích, tranh luận... là việc chẳng đơn giản chút nào. Phải có hiểu biết, phải có lý lẽ, phải biết “diễn đạt, phải biết thuyết phục. Những bài viết của chị đề cập đến những vấn đề nóng và khó, những vấn đề thời sự của tư tưởng và văn hóa. Đó là những vấn đề, ngoài mặt thì có vẻ bình yên, bình thường, nhưng bên trong, thực chất hàm chứa những vấn đề hệ trọng về cách nhìn, cách đánh giá, về chân lý và ngụy tạo...Từ đó, dẫn đến những vấn đề cốt lõi của lịch sử, của văn hóa, tư tưởng...
Chị đã dũng cảm lên tiếng, rạch ròi, phân minh… trên những vấn đề nóng hổi và quan trọng đó. Lập luận của chị khúc chiết, lý lẽ của chị cứng cỏi, tấm lòng của chị thắm nồng. Cần thiết biết bao một cây bút như vậy, hiện thời.
Viết chính luận phải lấy lý làm cốt. Chị có cái đầu của một luật gia, đó là thế mạnh. Nhưng nói đến phụ nữ, xưa nay đều quý ở họ cái đức tính “dịu dàng”: Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi(Olga Bergolzt). Hãy hòa trộn cái lý mạnh của luật và tâm hồn thơ phiêu lãng, tinh tế, dịu dàng của một cây bút nữ. Để cho văn quyến rũ và người đọc sẽ quý mến chị thêm nữa.
Giáo sư - Tiến sĩMai Quốc Liên
Tổng Biên tập tạp chí Hồn Việt
Trích đoạn:
Văn học, nghệ thuật là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc xã hội – bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa. Làm tốt công tác tư tưởng đối với văn nghệ sĩ là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay. Mặt khác công tác tư tưởng đối với văn nghệ sĩ không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Tuyên giáo mà là của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ quản lý nhà nước và của lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật. Văn học nghệ thuật dân tộc vốn có truyền thống nhân văn. Văn nghệ sĩ của chúng ta vốn có truyền thống yêu nước, có sức sáng tạo bền bỉ và mãnh liệt. Rất nhiều văn nghệ sĩ đã từng gắn bó máu xương với sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp văn hóa – văn nghệ của Đảng. Để nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà theo yêu cầu của Đảng, để văn nghệ sĩ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – văn nghệ thì công tác tư tưởng của Đảng đối với văn nghệ sĩ cần được đổi mới từ trong nhận thức và hành động. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh), hơn ai hết, văn nghệ sĩ là những người luôn mong mỏi ngọn đuốc soi đường ấy rực sáng mãi. (CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VĂN NGHỆ SĨ VÀ HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT)
Độc giả biết đến Vũ Hạnh nhiều hơn cả với tư cách là một nhà văn bởi ngoài các tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài của ông trong đó có những tác phẩm từng gây tiếng vang một thời như Bút máu, thì các công trình, tác phẩm tiểu luận, phê bình về văn hóa, văn nghệ tiêu biểu như Đọc lại truyện Kiều, Người Việt cao quý, Tìm hiểu văn nghệ... vẫn cho người đọc thấy tài năng và tấm lòng của một nhà văn đích thực.
Chúng ta cũng biết nhiều về một nhà văn – chiến sĩ Vũ Hạnh mà cuộc đời và văn nghiệp của ông chính là một biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc. Tinh thần văn hóa ấy mang bản sắc Việt rất đậm nét, được hun đúc nên từ nhiều ngàn đời, nó thấm đẫm màu sắc nhân văn nhưng cũng đầy tự tôn, tự cường và cầu thị. Một tinh thần văn hóa chứa đựng sức mạnh phi thường, vượt qua mọi áp đặt đồng hóa của ngoại bang, chiến thắng cả rào gai, lưỡi lê, hơi cay và súng đạn của kẻ thù.
Chân dung nhà văn Vũ Hạnh ở góc độ một nhà tư tưởng văn hóa dân tộc qua những tác phẩm, đặc biệt một số tiểu luận, phê bình của ông thể hiện rất rõ. Chính xuất phát từ tư tưởng văn hóa dân tộc mà ngòi bút Vũ Hạnh mới càng tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc. Chúng ta biết rằng những nét tiêu biểu nhất của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường chống ngoại xâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; là tinh thần tự chủ, tự cường, đoàn kết, nhân ái “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; là“việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Gần ngàn năm Bắc thuộc và biết bao cuộc xâm lăng, thống trị dài ngắn của phương Bắc suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc cũng không thể khuất phục được dân tộc Việt Nam là do đâu. Là bởi chúng không đồng hóa được văn hóa Việt. Sự ra đời của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc vào năm 1966 thế kỷ trước tại Sài Gòn với khẩu hiệu “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất dân tộc mất” chính là “nhận thức di truyền” của dân tộc và được ý thức hóa cho quần chúng, đặc biệt là tầng lớp trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, sinh viên... trong bối cảnh chính trị - xã hội hết sức đặc biệt lúc bấy giờ. Chính McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận rằng Mỹ thua là do không hiểu được văn hóa Việt Nam. Và chúng ta cũng đã biết, “ngọn cờ” của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ngày ấy là nhà văn Vũ Hạnh. Ông là Tổng thư ký của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc đồng thời lúc đó cũng là chủ bút tờ Tin văn, diễn đàn chính thức của Lực lượng.
(VŨ HẠNH NHÀ TƯ TƯỞNG VĂN HÓA DÂN TỘC)
Âm nhạc sau một thời gian dài được sự kích thích của cơ chế thị trường và cảm hứng sáng tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội phát triển mang tính thời đại đã bùng nổ các sáng tác mới (ca khúc) cả tốt lẫn xấu và thị trường âm nhạc trở nên sôi động với sự ra đời của hàng loạt công ty biểu diễn, sản xuất chương trình, băng đĩa nhạc. Trước tiên phải nói đến vấn đề “độc quyền ca sĩ” mà cách đây khoảng trên 10 năm đã xôn xao dư luận, trở thành đề tài hot của báo giới. Hàng loạt ca sĩ trẻ nhờ “độc quyền” của các công ty, các bầu sô mà hình ảnh, giọng ca đã nổi lên, khẳng định được tên tuổi như Cẩm Ly với Kim Lợi studio của “bầu” Hữu Minh, Đan Trường với HT Production của “bầu” Tuấn Thasô, Ưng Hoàng Phúc của Thế Giới Giải Trí, Khánh Ngọc – Nhật Tinh Anh của Nhạc Xanh, Noo Phước Thịnh của “bầu” Tuấn Khanh... Có thể nói đây là thành quả thực sự của âm nhạc thời kỳ đổi mới, làm cho vườn âm nhạc Thành phố nở rộ nhiều bông hoa hương sắc. Thế nhưng bây giờ ít ai còn “thắm thiết” với chuyện độc quyền. Ca sĩ có một chút tên tuổi đều muốn lập công ty riêng dù chỉ trên danh nghĩa hoặc liên kết với những “ê kíp” thao tác từng khâu mang tính thời vụ. Nhà báo Thùy Trang (Báo Người Lao Động) đã từng gọi kiểu độc quyền ca sĩ ở Thành phố là “mô hình độc quyền ca sĩ nửa mùa” và chỉ ra: Thực ra, việc độc quyền ca sĩ của các công ty kinh doanh giải trí chỉ là bản hợp đồng với những điều khoản đưa ra đủ để ràng buộc nhau trong một thời gian chứ chưa có công ty nào thật sự áp dụng đúng mô hình chuyên nghiệp như ở các nước tiên tiến.
Một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp đúng nghĩa phải có cả một hệ thống chuyên nghiệp từ đào tạo bồi dưỡng năng khiếu, tài năng, các ê-kíp làm nhạc (sáng tác, dựng phối nhạc...), quay MV (music video), chụp ảnh, truyền thông, lăng xê, tổ chức sự kiện, live show đến nghiên cứu thị trường, cơ chế độc quyền (ca sĩ, tác phẩm), bảo vệ tác quyền, năng lực sản xuất... và tất cả phải được vận hành theo công nghệ tiên tiến. Chúng ta không hoang tưởng tới mức đem so sánh thị trường âm nhạc của ta với các nước phát triển nhưng nếu cứ manh mún, “tự hát phải tự đàn” thì đến bao giờ âm nhạc mới thoát ra khỏi “vùng trũng” của âm nhạc thế giới. (TỪ THỰC TIỄN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN “MƠ ƯỚC” VỀ MỘT NỀN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA!)
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.