Bị chứng thần kinh giày vò, Vincent Van Gogh đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 37, điều góp phần tạo nên huyền thoại về ông: con người mà khi còn sống không được đánh giá đúng, nhưng ngày nay lại là một trong những danh họa vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Qua phân tích và giải mã lý thú 45 kiệt tác nổi bật nhất của Vincent Van Gogh, chúng ta sẽ thấy ông là một nhà tiên phong thực sự và là một nghệ sĩ phi thường như thế nào.
Với mỗi tác phẩm xuất sắc được giới thiệu trong cuốn sách này, hãy khám phá:
Những lý do khiến nó trở thành một kiệt tác “không thể chối cãi”;
Những hoàn cảnh sáng tác, nơi chốn và ngày tháng thực hiện;
Những giải thích về kỹ thuật vẽ mà họa sĩ sử dụng;
Những chìa khóa để hiểu điều mà nghệ sĩ muốn thể hiện,
Những chi tiết về kích thước, phương tiện, chất liệu và nơi lưu giữ,
Những lời trích dẫn gợi ra tầm quan trọng của tác phẩm trong lịch sử nghệ thuật.
Với lối trình bày rõ ràng, mạch lạc, chia làm hai phần: cuộc đời danh họa và những kiệt tác, cuốn sách sẽ dành cho những ai yêu thích danh họa Van Gogh muốn tìm hiểu, tra cứu thông tin nhanh chóng về cuộc đời ông, cùng 45 kiệt tác mà ông đã để lại.
Cuốn sách nằm trong bộ sách về các tác giả và tác phẩm hội họa nổi tiếng, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+, mua bản quyền từ NXB Larousse danh tiếng của Pháp.
Trích đoạn hay:
Đối với hậu bối, Van Gogh là biểu tượng của một nghệ sĩ bị nguyền rủa, bất hạnh vào thời đại của mình, bị người đương thời chế nhạo, nhưng lại được phục hồi danh dự một cách vinh quang sau khi mất. Sự khác biệt giữa cuộc sống khiêm tốn và khối tài sản không tưởng của ông sau khi qua đời chắc chắn là đáng ngạc nhiên. Nhưng thành công rực rỡ trong nghệ thuật cũng nhắc ta nhớ rằng ông đã luôn tin vào thiên hướng của mình, rằng ông đã làm việc không ngừng trên khoảng 2.000 bức tranh để sáng tạo nên một thứ “ánh sáng mới” cho “những người anh em” của mình. (tr.7)
Con đường sự nghiệp với nhiều may mắn mở ra trước mắt Vincent Van Gogh, hết sức tự hào khi ở tuổi 20, ông đã kiếm được nhiều hơn cha mình ở tuổi 50! Tuy nhiên, thời kỳ hạnh phúc này chấm dứt trước một trở ngại không mong đợi – trái tim ông tan vỡ khi bị cô Eugénie Loyer, con gái người cho thuê nhà, khước từ tình cảm. Sau khi cô này thú nhận về mối tình với người thuê nhà trước, Van Gogh lần đầu tiên rơi vào cơn khủng hoảng cô độc và thù ghét loài người, đồng thời biểu lộ rõ mối quan tâm nhiệt thành tới những gì thuộc về tôn giáo. Gia đình ông lo lắng và không tán thành việc ông bỗng nhiên trở nên sùng đạo. (tr.10)
Vincent sớm quan tâm đến nghệ thuật vẽ phong cảnh; trong một bức thư gửi Théo vào tháng 8 năm 1882, khi mới bắt đầu vẽ, ông đã cảm thụ phong cảnh bằng thị giác với tính vật chất mạnh mẽ, đề cập chi tiết đến những lựa chọn màu sắc và sự khó khăn khi tái hiện lại chất liệu đất lên mặt vải: “Hôm qua, anh đã vẽ một mảnh rừng hơi dốc, mặt đất phủ đầy lá sồi rừng khô và lá bị sâu ăn. Đất có màu nâu đỏ, chỗ đậm, chỗ nhạt, và các sắc độ này được nhấn thêm do bóng cây, chúng vẽ lên mặt đất những đường khi mờ ảo, khi rõ nét. Khó khăn chủ yếu nằm ở việc nắm bắt độ đậm nhạt của màu sắc, chất liệu và độ chắc của đất, và chỉ khi vẽ chúng, anh mới hiểu được trò chơi ánh sáng trong bóng tối này. Công việc là làm sao giữ lại được ánh sáng, cũng như sự rực rỡ, cường độ của bảng màu phong phú đó. […] Trong khi vẽ, anh tự nhủ: mình sẽ không rời khỏi đây đến khi nào phản ánh được mùa thu trong bức tranh với chút gì đó vừa bí ẩn, vừa chân thành. Tuy nhiên – vì ấn tượng này không kéo dài – anh phải bắt tay nhanh vào việc; anh vạch các hình dáng bằng một vài nhát cọ mạnh mẽ. Anh nhận thấy rằng những gốc cây non đã đâm rễ sâu vào lòng đất một cách vững chắc; anh bắt đầu bằng việc vẽ chúng bằng cọ, nhưng càng xuống dưới thì đất càng đặc và những nét bút ngày càng hòa vào nhau, và vì thế anh quyết định vẽ rễ và gốc cây bằng cách trực tiếp nặn tuýp màu lên vải, rồi dùng cọ tạo khối lại cho chúng. Và đây, những thân cây mọc trên đất: chúng vươn lên từ đất, nhưng bén rễ sâu xuống một cách mạnh mẽ. Trên một phương diện nào đó thì anh mừng vì đã không học vẽ theo cách chính thống.” (tr.14-16)
Van Gogh vẫn tin rằng sự trung thành với tự nhiên đôi khi có hại cho sự biểu đạt, đặc biệt là khi người nghệ sĩ tìm cách tái hiện sức sống của người mẫu, trong nghệ thuật vẽ chân dung phức tạp. Vì thế, ông đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trong việc sử dụng màu sắc để phục vụ duy nhất nhu cầu biểu đạt, ông cho rằng lựa chọn màu sắc hoàn toàn là chủ quan: “Anh muốn vẽ bức chân dung một người bạn nghệ sĩ ôm ấp những giấc mơ vĩ đại. Vì thế, để bắt đầu, anh sẽ vẽ anh ta như anh ta vốn thế, một cách trung thành nhất có thể. Nhưng bức tranh không dừng lại ở đó. Để hoàn thành nó, bây giờ anh sẽ tô màu theo ý thích. Anh phóng đại màu vàng của bộ tóc, anh dùng những sắc cam, sắc ánh kim, màu vàng chanh nhạt. Phía sau đầu, thay vì vẽ bức tường tầm thường của căn hộ xoàng xĩnh, anh vẽ một cái nền đơn giản, dùng màu xanh lam đậm nhất, dữ dội nhất mà anh có thể tạo ra và chỉ nhờ vào sự kết hợp này, mái tóc vàng tỏa sáng trên nền xanh đậm mới đạt được một hiệu ứng huyền bí, giống như ngôi sao trên không trung sâu thẳm”. (thư gửi Théo, tháng 8 năm 1888). (tr24-25)
Ẩn dưới vẻ ngoài rời rạc, thiếu liên kết, qua những câu chữ trong thư, ông bộc bạch nỗi khát khao về cái tuyệt đối, điều đã dẫn dắt nghệ sĩ tới chỗ lựa chọn cuộc đối đầu bi thảm với cái hư vô thay vì thỏa hiệp: “Thế đấy! Anh mạo hiểm cả cuộc sống của mình vì sự nghiệp, và lý trí của anh vì nó mà chỉ còn một nửa, nhưng em không ở trong số những tay buôn mà anh biết, và anh thấy em có thể chọn hành động rất người, nhưng em muốn gì?” (tr.31)
“Trong số những tác phẩm của mình, rốt cuộc, anh đánh giá bức tranh về những người nông dân ăn khoai tây được vẽ ở Nuenen là bức mà anh vẽ tốt nhất.” Van Gogh viết những lời này năm 1887, tức hai năm sau khi thực hiện tác phẩm. Lời nói này có thể gây ngạc nhiên khi xuất phát từ một người không bao giờ hài lòng, nhưng quan trọng là nó giúp chúng ta xác định bức Những người ăn khoai là một dấu mốc thực sự trong sự nghiệp nghệ sĩ của ông. (tr.38)
Ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng bộc lộ rõ ràng ở bức này, đặc biệt trong cách chọn lựa màu sắc và phân bổ ánh sáng. Nhưng sự mãnh liệt của nét cọ chỉ thuộc về họa sĩ Hà Lan mà thôi. […] Học tập sức mạnh cô đọng của màu sắc từ phái Bắc Âu, chỉ đến khi xem tranh của Pissarro, Guillaumin, thậm chí là Seurat hay Gauguin, Van Gogh mới có ý thức đầy đủ về điều này. Từ nay trở đi, ông không ngừng khai thác sâu hơn những khả năng biểu hiện của màu sắc, đến mức dành cho chúng những nét nhấn thống thiết, cảm động hay bi thảm. (tr.42)
Thường xuyên và đều đặn, việc ông tự vẽ mình cho thấy ông ý thức được sự bất lực trong việc nhận biết bản thân (“Người ta nói và anh sẵn lòng tin rằng thật là khó để tự biết mình. Nhưng tự vẽ bản thân cũng không hề dễ!”). Đây hẳn là nền tảng của những rối loạn khủng khiếp sẽ dẫn ông đến thảm kịch cuối cùng. (tr.50)
Một lần nữa, họa sĩ tự vẽ mình già hơn thực tế, tuổi trẻ của ông đã hoàn toàn bị bệnh tật phá hủy. Mệt mỏi và yếu ớt, cho dù cái nhìn rất quả quyết, họa sĩ không tự vuốt ve mà cũng không tự bêu xấu. Đối với ông, tính hiện thực của các đường nét không quan trọng, điều đáng kể chính là sự biểu đạt mạnh mẽ những nỗi đau đớn. (tr.92)
Tính mâu thuẫn của bức tranh này đến từ sự kết hợp giữa lý tưởng và và nỗi tuyệt vọng. Khi vẽ “những cánh đồng lúa mì vô tận dưới một bầu trời rộng mở”, Van Gogh có ý thức rằng ông đang mạo hiểm dấn thân vào nơi mà ngôn từ bất lực trong việc diễn tả niềm hân hoan khi đối diện với cái vô hạn: “Anh không sợ thử biểu đạt nỗi buồn và sự cô đơn tột cùng. Anh tin rằng những bức tranh này sẽ nói điều mà anh không thể nói bằng lời, rằng anh nhìn thấy trong cuộc sống ở nông thôn những điều thánh thiện truyền sức mạnh”. (tr.121)
Câu Quote hay:
Van Gogh vẫn tin rằng sự trung thành với tự nhiên đôi khi có hại cho sự biểu đạt, đặc biệt là khi người nghệ sĩ tìm cách tái hiện sức sống của người mẫu, trong nghệ thuật vẽ chân dung phức tạp. Vì thế, ông đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trong việc sử dụng màu sắc để phục vụ duy nhất nhu cầu biểu đạt, ông cho rằng lựa chọn màu sắc hoàn toàn là chủ quan […]. (tr.25)
Nằm giữa những cánh đồng đã được cày xới, tách khỏi ngôi làng, cô độc giữa vòng đai tạo thành từ các mộ phần, tòa tháp hiện lên như một biểu tượng của định mệnh […]. (tr.34)
“Nhiều họa sĩ sợ một tấm vải trắng, nhưng một tấm vải trắng lại sợ người họa sĩ đích thực với lòng đam mê và sự táo bạo.” – Van Gogh, năm 1884 (tr. 35)
Trầm lặng và tập trung, người thợ làm việc dưới sự bảo trợ của một trật tự siêu nhiên với sức mạnh toàn năng mà tòa tháp phía xa xa là hiện thân. (tr.36)
“Đừng quên, anh được sinh ra để là một người u sầu.” Vincent viết cho Théo, năm 1885 (tr.39)
“Anh thấy buồn về việc ngay cả khi thành công, hội họa cũng không bù đắp được cái giá mà ta phải trả cho nó.” Van Gogh, mùa hè năm 1887 (tr.43)
“Anh khao khát tôn giáo. Vì vậy, anh đi ra ngoài vào ban đêm để ngắm những vì sao”. Vincent gửi Théo, tháng 9 năm 1888 (tr.87)
[…] nhân đôi mọi đồ vật, Vincent đang vẽ ước mơ – đã bị tan vỡ nhiều lần – được gặp tâm hồn đồng điệu với mình. (tr.88)
“Hãy vun đắp tình yêu của bạn với thiên nhiên, bởi vì đó là cách duy nhất để hiểu nghệ thuật hơn.” Van Gogh (tr.107)
Mặc dù vẫn chú ý trung thành với mẫu, Vincent không bao giờ có thể trung hòa tác phẩm của mình, ông biến tất cả những gì vẽ ra thành tấm gương phản chiếu những rối loạn của chính mình, có thể là ông cũng không nhận thức rõ ràng được điều đó. (tr.114)
Về tác giả:
GÉRARD DENIZEAU (25/10/1953)
Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà âm nhạc và cây viết người Pháp với rất nhiều tác phẩm thuộc đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ ca, báo chí, sách về mỹ thuật và âm nhạc.
Ông từng làm giáo viên trung học (từ năm 1978 tại Lons-le-Saunier), giảng viên tại Đại học Lorraine (từ năm 1984), giảng viên âm nhạc tại Đại học Paris 4 (từ năm 1992) và tại Trung tâm Đào tạo Nghệ thuật cao cấp CRR-Paris 4 (từ năm 2004).
Gérard Denizeau đã dành nhiều năm trong sự nghiệp viết lách để cống hiến cho sự bảo tồn những di sản quý báu của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi