Trong vòng hơn sáu mươi năm, từ lúc còn học phổ thông, cho đến thời sinh viên, rồi những năm tháng đứng trên bục giảng của trường đại học, chứng kiến biết bao thăng trầm của ngành giáo dục, không thể thờ ơ với mọi chuyện buồn vui, tác giả đã ghi lại vài chuyện trong đó qua cuốn sách Vui buồn hoa phượng.
Những câu chuyện được viết trong cuốn sách này hoàn toàn căn cứ vào “người thật việc thật”. Tác giả không có ý định khen hay chê ai vì điều đó thật là vô nghĩa, chỉ mong mọi người nghĩ tới một điều gì đó lớn lao hơn, nhân văn hơn.
Trích đoạn hay
Chúng tôi là khóa thứ hai hệ chuyên Văn của Nghệ An, được gọi vào học khá muộn. Tôi nhớ, khi các trường phổ thông cấp 3 ở các huyện đã khai giảng được cả tháng trời thì chúng tôi mới có giấy báo nhập học. Nghệ An là một tỉnh lớn, hồi đó có 17 huyện thị, chỉ trừ một vài huyện miền núi không có ai, còn thì ít nhiều đều có, phổ biến nhất là vài ba người, chỉ có Thanh Chương là đông nhất, chiếm gần một phần tư trong tổng số 36 người lúc nhập học.
Tuy là người trong một tỉnh, nhưng ngay giọng nói đã có sự khác biệt nhau khá lớn, ít nhất cũng có dăm bảy giọng nói, không hề giống nhau, ngay người trong một huyện, giọng nói đã khác hẳn nhau. Còn phong tục, tập quán, bản sắc vùng miền, có lẽ không có sự khác biệt nhiều. Tương tự, hoàn cảnh kinh tế, thành phần xuất thân, đa số cũng giống nhau.
Phần lớn mọi người là con em nông dân, một số ít hơn có bố mẹ là công nhân viên chức nhà nước. Nói chung, cái giống nhau, dù xuất phát từ đâu, đều nghèo, một vài người được cho là khá giả, nhưng cũng chỉ đỡ khổ hơn anh em một chút mà thôi. Tất nhiên, chúng tôi còn giống nhau ở một điều vô cùng quan trọng, đó là đều ham học và coi chuyện học hành là bổn phận không thể khác được. Chí ít ra, chúng tôi cũng là dân Nghệ, nổi tiếng hiếu học, còn thực chất theo tôi cũng bình thường thôi, trong mấy năm học cùng nhau, tôi chưa thấy ai đam mê chuyện học hành như giai thoại đã kể về thời ông bà, tổ tiên của xứ Nghệ.
Có lẽ việc tập hợp học sinh cả tỉnh lại trong một lớp, đó là một sự đặc biệt. Nếu tỉnh không có chủ trương đào tạo nhân tài, chuẩn bị cho tương lai, thì điều này sẽ chẳng bao giờ có. Lúc mới nhập học, vào năm lớp tám, chúng tôi được bố trí ở trong các phòng xép, những căn phòng nhỏ, nằm giữa các lớp học, trong những dãy nhà cấp bốn, nhà tranh, vách đất, dài khoảng dăm chục mét. Trong các phòng này, phần lớn diện tích dành cho chỗ ngủ, nằm kề liền nhau, được làm theo kiểu lán trại tạm bợ dành cho dân khai hoang trong rừng sâu. Có lẽ không lấy gì thuận tiện lắm, kể cả ai nhà nghèo, phòng ở cũng không đến nỗi tệ hại như thế. Tuy nhiên, trong điều kiện thời đó, thế cũng là tốt lắm rồi, cho nên chẳng có bất cứ một người nào kêu ca, phàn nàn gì. Chúng tôi biết, là lớp đặc biệt của tỉnh nên mới được ưu ái như vậy. Còn học sinh phổ thông thì tự lo lấy, phụ huynh và học sinh phải tự đi xin ở trọ trong dân địa phương. Hồi đó, chỉ xin thôi, chứ không phải thuê. Tất nhiên, nếu ở trong dân, chắc điều kiện tốt hơn, nhưng nhược điểm của nó, là mọi người ở phân tán. Chính vì vậy, sự gắn kết với nhau, quản lý lẫn nhau sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Đó là chưa nói, chúng tôi không phải tốn thời gian, công sức đi lại, hồi đó học cấp 3, học sinh phải đi bộ từ nhà đến trường dăm bảy cây số là chuyện bình thường. Những người ở cách xa trường mười lăm kilomet trở lên, thường phải ở trọ. Ngoài ra, ở chung dăm bảy người, cùng nằm trên một cái giường làm bằng tre nứa, cũng vui, ngoài giờ học và một số hoạt động giải trí không đáng kể khác, chúng tôi không có thời gian để buồn. Nếu ở riêng lẻ, mỗi người một nơi, trong điều kiện vô cùng kham khổ, đặc biệt thời gian đầu mới xa nhà, có lẽ việc vượt qua gian nan sẽ khó hơn nhiều. Trò đời nếu ta đi đâu, có điều kiện vật chất dồi dào, tinh thần phong phú, thì sẽ ít nhớ nhà hơn; theo năm tháng, thậm chí có ai đó còn quên hẳn quê hương. Nhưng nếu ngược lại, thì nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khó mà chịu nổi, thậm chí là không bao giờ nguôi ngoai.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi