TIỂU THUYẾT VƯƠNG QUỐC NGHÌN NĂM CỦA KIM KYUNG UK: XỨ KIMCHI QUA CÁI NHÌN SÂU VÀO BẢN THỂ
Kim Kyung Uk sinh năm 1971 tại Gwangju, lấy bằng Tiến sĩ Văn học từ Đại học Quốc gia Seoul và hiện đang giảng dạy chuyên ngành Viết sáng tạo ở Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc. Ông là thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc.
Kể từ khi chính thức gia nhập văn đàn Hàn Quốc năm 1993 với giải thưởng của Tạp chí Thế giới Nhà văn cho truyện vừa Người ngoài cuộc, đến nay Kim Kyung Uk đã nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá cho 6 tuyển tập truyện ngắn [trong đó có Leslie Chung mất rồi sao? (2005), Đọc trị liệu (2008), Chúa Trời không có cháu chắt (2011)] và 6 tiểu thuyết [trong đó có Quả táo vàng (2002), Vương quốc nghìn năm (2007), Như một cổ tích (2010) và Bóng chày là gì? (2012)].
Ngay cả so sánh với những tác phẩm trước và sau đó của chính Kim Kyung Uk, Vương quốc nghìn năm vẫn đem đến bất ngờ mới mẻ.
Tiểu thuyết xoay quanh số phận của ba thủy thủ sống sót trên con tàu Hà Lan trôi giạt vào bờ biển Joseon những năm đầu thế kỷ 17. Denison trẻ trung trước sau cuồng nhiệt, kiên quyết kiếm đường tẩu thoát, cuối cùng chịu chết trong ngục tù, chưa tròn 18 tuổi. Evoken, ngược lại, có vẻ dễ dàng thích nghi trong cuộc sống với người đàn bà bản xứ, nhưng rồi cũng chết trên chiến trường, sát cánh bên những chiến hữu “dị giáo” chống giặc ngoại xâm, để lại lời trăng trối bằng tiếng “thổ dân” đứt đoạn giữa chừng. Còn duy nhất nhân vật xưng “tôi” để kể lại câu chuyện anh cảm thấy được ký thác, câu chuyện dường như chỉ thực sự bắt đầu khi hai người bạn đã ra đi, để lại anh hoàn toàn cô độc nơi đất khách quê người, cô độc lựa chọn sinh tử, lựa chọn bản ngã chính mình giữa hai tên gọi: cái tên Weltevree anh nhận từ cha mẹ và cái tên Park Yeon quốc vương xứ này đã đặt cho anh.
Lựa chọn? Hay đúng hơn là hòa giải?
“Đồng bào duy nhất của tôi trên mặt đất này chính là bản thể tôi”.
Bằng chuyện kể từ ngôi thứ nhất của Weltevree / Park Yeon như vậy, Vương quốc ngàn nămđã hợp nhất sự thực lịch sử với mộng tưởng, đại tự sự với tiểu tự sự, khám phá xứ sở Kim chi qua cái nhìn từ bên ngoài đồng thời là cái nhìn vào sâu thẳm, vũ trụ và thời gian.
Hơn nữa, đối với dân tộc Hàn như Weltevree / Park Yeon thấy biết thì “thứ khiến đầu óc họ bận rộn hối hả chẳng phải là điều gì thuộc về bản thân họ mà là điều đó được phản chiếu thế nào trong mắt người khác”. Chính đối tượng của cái nhìn đồng thời là cái nhìn. Chiếc gương soi soi vào chiếc gương soi. Tương giao những cái nhìn, những tấm gương soi phương Tây và phương Đông trong Vương quốc ngàn năm có thể khai mở và đan dệt vô vàn ảo diệu, vô vàn sự thật.
“Vương quốc này là một câu đố vĩ đại”. Hay “Nền văn minh của nó là một bài thơ”?
“Khuôn mặt những con người nơi đây không biết chừng đã trở nên giống với những ngọn núi tròn trịa mà họ thấy mỗi ngày”.
“Khí chất tâm hồn họ vừa chứa sức nóng rừng rực của mặt trời vừa mang sự lạnh lẽo của mặt trăng”.
“Ngạo mạn và thương người, nghiêm nghị cùng chân thật đều ẩn chứa trong đôi mắt họ”.
Không chỉ lịch sử bán đảo những tháng ngày gian khó phải đương đầu với giặc Tatar mà muôn mặt đời sống xã hội cùng truyền thống văn hóa lâu đời của Joseon được phản ánh trong Vương quốc nghìn năm vừa chân thực, sinh động vừa xúc cảm kịch tính đồng thời lắng đọng suy tư. Đặc biệt là chân dung tinh thần của một dân tộc hiện lên qua những nét chạm khắc rắn rỏi mà nồng nàn, cô đúc mà vời vợi dư ba.
Bởi vậy, cùng Kim Kyung Uk về với Vương quốc nghìn năm là một hành trình thi vị, quyến rũ đối với độc giả cả ở Hàn Quốc lẫn ở nước ngoài. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức.
Ở Việt Nam, bạn đọc từng được làm quen Kim Kyung Uk qua tác phẩm “Đọc trị liệu” (Hiền Nguyễn và Hoàng Thị Trang dịch) trong sách Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc (tuyển chọn từ Tạp chí Koreana) [với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), quý III năm 2019]. Và lần này tái ngộ cùng Kim trong tiểu thuyết Vương quốc nghìn năm qua bản chuyển ngữ của Nguyễn Thị Thu Hà [với sự tài trợ của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (Korea Literature Translation Institute)]. Đều là duyên may của những giao lưu nghệ thuật, giao lưu tâm hồn ngày càng thắm thiết giữa hai dân tộc Việt-Hàn.
Tp Hồ Chí Minh, tháng Ba 2020
Phan Thị Thu Hiền
Trích đoạn VƯƠNG QUỐC NGHÌN NĂM
Số phận đang lặp lại. Có lúc là bi kịch, có lúc lại là hài kịch. Giữa lúc đó biển vẫn cuồn cuộn và cái chết thì đang nhảy múa. Biển yêu cái chết còn cái chết nhớ thương biển. Chỉ có duy nhất mình cái chết nhận được sự sủng ái của số phận. Về bản chất, cái chết không phải là bi kịch cũng không phải là hài kịch. Nỗi sợ cái chết ám ảnh đẻ ra bi kịch, còn sự tôn sùng cái chết mù quáng thai nghén nên hài kịch. Vì vậy, phải thân thiết hơn với cái chết để yêu thương số phận một cách chân thật. Trên biển, số phận và cái chết là họ hàng của nhau. Các thuyền viên thường uống rượu vang thâu đêm, vừa hát hò vừa gõ chân nhịp nhàng. Chỉ cần không cảm thấy tuyệt vọng vì khổ đau và không vấn vương vì khoái lạc, thì dẫu có hát về quê hương đã rời bỏ, hay hát về ngôi sao sẽ tạm biệt thì họ đều cảm thấy ổn thỏa.
Kỳ thực, đã rất lâu rồi tôi mới về với biển. Thậm chí tôi còn không thể phỏng tính được đã bao nhiêu năm. Ngay cả năm tháng khiến khắp thế gian đều hằn nếp nhăn dường như cũng né tránh biển. Biển hiện diện ngay trước mắt tôi không khác gì biển trong ký ức. Biển kiêu ngạo như mặt trời và nhạy cảm như mặt trăng. Biển vẫn kích thích trái tim tôi giống như ngày xưa.
Càng xa dần đất liền thì gió càng giật mạnh và sóng biển càng dâng cao. Cả cơn gió dữ dội ập đến cũng kêu rên lặng lẽ khi bị cánh buồm căng phồng như trăng rằm giam cầm lại. Âm thanh khe khẽ của ngọn gió không thể đoán biết giai điệu đã đẩy tàu ra khơi. Khơi xa phương Nam sắp bước vào mùa đông, ngấu nghiến ngoạm vào mạn tàu một miếng rồi liền nhả ra, chẳng khác gì con sói đói cồn cào. Biển cứ xa tít tắp, tận mãi bên kia đại dương.
chẳng ai biết tới.
Trích đoạn BIỂN XA RẤT XA
Cái đáng sợ hơn gió mưa bão tố ở nơi biển cả vô chủ là đụng độ với chiến hạm của quân địch hay đối mặt với hải tặc. Chiến hạm Bồ Đào Nha chỉ cần nhìn thấy lá cờ màu cam là xả đại bác. Ngay cả với chiến hạm Tây Ban Nha, chúng tôi cũng không thể kỳ vọng sự thân thiện. Giữa lúc tình hình mậu dịch ở phương Đông đang phát triển mạnh mẽ thì hải tặc cũng tung hoành trên hải phận các đảo Đông Ấn Độ. Người ta đồn đại rằng hải tặc Trung Quốc sẽ lột da đầu thuyền viên, còn hải tặc Nhật Bản thì cắt tai họ.
Nền văn minh dạy chúng tôi phải khiêm tốn với cái chết. Đứng trước cái chết của một cá nhân, con người của thế giới văn minh sẽ cảm thấy kinh ngạc và khiếp sợ.
Song, với những kẻ dã man thì mọi cái chết đều chỉ là sự phổ quát, y như mọi vật đều bị nhuốm màu chạng vạng khi mặt trời lặn vậy. Lột da hay cắt thịt là đặc tính riêng của cái chết. Cái thi thể có tính cá biệt dữ dội của cái chết làm mất đi sự uy nghiêm của vật sáng tạo do Đấng tạo hóa mô phỏng theo hình tượng của Chúa và thoái hóa chỉ còn là chiến lợi phẩm chứng minh cho sự thắng cuộc bốc mùi hôi tanh.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi