Đại nghĩa diệt thân
(Tiểu thuyết lịch sử)
Hồ Biểu Chánh
(01/10/1885-04/09/1958)
Tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh
Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930.
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới…
Ông đã để lại cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ với hơn một trăm quyển tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo… Với lối viết bình dị, ngôn ngữ gần với lời nói thường ngày, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh luôn được nhiều thế hệ người dân Nam bộ đón nhận bằng một tình cảm đặc biệt và trân trọng.
Đại nghĩa diệt thân
(Tiểu thuyết lịch sử)
*Hồi tưởng lại năm xưa, chúng ta chẳng khỏi ngậm ngùi về nỗi thảm của tổ tiên ta, cách gần một trăm năm hồi trước, phải chịu cái cảnh thê lương nước mất nhà tan, sao dời vật đổi.
Trong lúc ấy trời Đồng Nhâm ở đất Gia Định rung rinh, cây cỏ héo sầu, sanh linh đồ than. Nhắc lại tình cảnh đó để truy niệm đau khổ của người trước, mà cũng đề phòng việc về sau, đặng suy cổ nghiệm kim rồi ung đúc tâm hồn mà giữ gìn non nước, làm như vậy tưởng không phải là làm việc vô ích.
Năm Tự Đức thứ 11, nhằm năm Mậu Ngọ 1858 nước Pháp lại cớ triều đình Việt Nam cấm đạo bèn phái Hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly chỉ huy một đoàn thuyền qua đỗ bộ lên đánh hải khẩu Đà Nẵng (Tourane) có một tiểu đoàn binh Tây Ban Nha theo trợ lực. Giặc chiếm Đà Nẵng toan đánh vào đô thành Huế, nhưng gặp binh ta chống ngăn mạnh mẽ nên tiến không nổi.
Qua tháng Giêng năm sau là năm 1859, Trung tướng Rigault de Genouilly bèn đổi chiến lược để một tiểu đoàn ở lại giữ mấy đồn vùng Đà Nẵng, còn bao nhiêu binh thì chở xuống hết thuyền chiến đặng vào miền Nam định xâm chiếm đất Gia Định là vùng có tiếng phì nhiêu phong phú. Binh Pháp vào cửa Cần Giờ, bắn phá những phần tàu đóng hai bên sông Đồng Nai, rồi tiến thẳng lên đánh thành Gia Định.
Quan hộ đốc giữ thành Gia Định là cụ Võ Duy Ninh vừa hay tin binh đội Pháp khai chiến thì cụ tức tốc đến các tỉnh kêu binh lên tiếp viện đặng chống với giặc. Viện binh đến chưa kịp còn quân lính trong thành đủ, song thiếu huấn luyện, thiếu tinh thần chiến đấu, bởi vừa không biết cách phòng thủ để cho giặc tự do vào đánh có hai ngày đoạt được thành. Cụ Võ Duy Ninh phải tự tử để cho toàn tiết nghĩa. Giặc tóm thâu tất cả súng đại bác, thuốc đạn bạc tiền và lúa gạo. Rất tiếc thay!
Trung tướng Rigault de Genouilly phân binh, để Trung tá Jauréguiberry ở lại giữ thành Gia Định, còn bao nhiêu binh thì trở ra Đà Nẵng đánh nữa. Cũng không thắng nổi binh ta, lại nhuốm bịnh. Pháp định sai Thiếu tướng Page qua thay thế cho Trung tướng Rigault de Genouilly về Pháp an dưỡng
Kế đó nước Pháp với nước Anh có việc bất hòa với Trung Hoa nên hai nước hội binh đi đánh tàu. Chánh phủ Pháp sai Trung tướng Charner chỉ huy một đoàn chiến thuyền qua Viễn Đông, lại dạy Thiếu tướng Page phải rút binh Đà Nẵng và Gia Định đi theo Trung tướng Charner đặng tiếp chiến.
* Bữa sau ghe ra biển. Ông Giám ngồi nhìn trời cao biển rộng, ông nghĩ cuộc đời như giấc mộng, không có chi thiệt, mà cũng không có chi bền. Núi non cao vọi mà nhiều khi cũng sụp đổ. Sông rạch nước đầy mà có khi cũng cạn khô. Quốc gia đương hung thạnh rồi cũng phải nguy vong. Chồng vợ cha con đương hiệp hòa rồi lại phải ly tán.
Trớ trêu thay!
* Qua canh một Chí Linh mới về tới. Chàng bước vô chào ông Nhiêu và mừng anh. Sáu Tại hỏi ăn cơm chiều rồi hay chưa. Linh nói ăn rồi. Chàng hỏi ông Bảy đã về nói việc cụ Thủ khoa thể nào.
Ông Nhiêu nói ông Bảy về hồi chiều, ông cho hay thiệt quả cụ Thủ khoa bị tàu Tây bắt chở đi hồi sớm mơi rồi. Ông có giáp mặt với hai người chèo ghe họ nói rõ như vậy, không còn nghi ngờ gì được nữa.Chí Linh ngồi buồn hiu.
Ông Nhiêu nói:
- Cha nghe như vậy từ hồi chiều đến giờ cha nản chí, hết muốn lo tính gì nữa. Chuyến này nó thộp được cụ, mà có thêm việc Cổ Chi nữa, thì nó có thả cụ nữa đâu mà mong.
- Con dai quá. Chớ chiều hôm qua con rước cụ với cha vô Cổ Chi coi nghĩa binh ta chiến đấu cho mát ruột, rồi con đưa qua phía bên kia rạch mà vô đồng ở đỡ một đêm, đợi êm rồi đi thì xong quá.
- Trận Cổ Chi con đại thắng phải hôn?
- Con cho mai phục trong ngoài hai lớp, đợi giặc lọt vô giữa rồi hai đầu đánh áp lại, đánh ngã rạp hết. Chúng nó không có thì giờ mà bắn một phát súng. Con lấy được cả thảy hai mươi hai cây súng, lại có đạn nhiều lắm.
- Cha cậy bà Ba đi dọ thám. Hồi chiều bà về nói bà gặp Tây vô đông lắm, kiếm đem thấy về. Bà núp bà coi thì thấy họ võng bốn người, còn khiêng tay mười bảy, cộng hai mươi mốt người. Vậy thì có một người quăng súng chạy khỏi nên con mới lượm được tới hai mươi hai cây. Cha tưởng bốn người võng đó bị thương chớ chưa chết.
- Chết hết cha à, không thế nào sống nổi. Tàn rồi con có cầm đèn con rọi mà coi. Rạp hết, không có một mạng nào cựa quậy. Có một điều làm con hết vui...
- Điều gì?
- Đốc Thành mang lon đội, bị nghĩa binh đâm đổ ruột máu chảy lai láng.
- Đồ bội phản, chết đáng kiếp. Ham chơi dao phải đứt tay chớ sao.
- Đốc Thành chết không nói gì, ngặt quá, không dè anh Hai Đạt cũng chết nữa.
- Có thằng Đạt đi trong đó hay sao?
- Thưa, có. Con có dè đâu. Chiều hôm qua con hỏi cha như gặp anh Đạt con làm sao. Con hỏi đó là hỏi không chắc có ảnh. Chừng rọi coi con phòng hờ, con mới ngó thấy. Con buồn quá. Con có lật con coi kỹ. Ảnh bị roi, chớ không phải bị mác hay chĩa. Lúc hỗn độn ai gặp đâu đánh đó, có biết ai đánh ảnh đâu mà nói.
- Ối! Ai đánh cũng được, cần biết người đánh làm chi. Phàm đánh giặc hễ gặp thì đâm, thì đánh; nếu mình vị tình dục dặc, thì chúng giết mình còn gì. Nhứt là nó có súng nếu con chậm trễ thì nó bắn chết.
- Thiệt con chỉ huy, chớ con không có đánh. Nếu con gặp anh Hai con, thì có lẽ con bắt sống để cứu mạng ảnh. Rủi quá, con không thấy ảnh, nên mới bị người ta hạ.
- Hôm qua con hỏi, cha có nói: “Đại nghĩa diệt thân”. Làm việc đại nghĩa không nên kể tình thân thích. Cụ Thủ Khoa, là bực đại Nho, cụ cũng cho lời cha nói đó là phải. Con không cần hối hận. Thằng Đạt theo giặc tức thì nó là giặc. Con không nỡ giết nó, chắc gì nó dung con. Huống chi nó là thằng bán nước hại dân. Nó chết sớm chừng nào càng đỡ khổ cho dân cho nước chừng nấy. Muốn cứu dân thì phải giết nó chớ sao.
- Cha giận ảnh không nghe lời cha, ảnh bỏ mà đi đường khác, nên cha nói như vậy. Nhưng bề nào ảnh cũng là máu thịt của cha.
Tuy không phải tay con giết ảnh chết, song con chỉ huy trận đánh tức thị con giết, bởi vậy con thắng mà con không vui.
- Cha đã từ thằng Đạt rồi. Cha không nhìn nhận nó là con nữa.
- Cha vì đại nghĩa nên cha dứt tính cha con được. Cha không trách con. Nhưng về ở bên Tịnh Giang xưa rày, con nhận thấy anh Hai Đạt đầu giặc, mẹ không trách ảnh, không trách mà lại yêu ảnh lắm. Chị Hai với vợ con cũng vẫn yêu ảnh như thường. Chuyện này đổ bể mẹ cùng vợ con phiền trách con, chắc là con không thể về ở bển nữa được.
- Con đừng lo. Thằng Đạt chết, cha lãnh trách nhiệm. Ai có trách thì trách cha đây.
Tại Kho Sách, chúng tôi tạo ra một không gian dành riêng cho những đam mê đọc sách, từ những người đam mê văn học đến những người muốn khám phá thế giới qua trang sách.