Góc Nhìn Sử Việt - Bánh Xe Khứ Quốc
BÁNH XE KHỨ QUỐC hay là cuộc đời trôi nổi và đau thương của vua Lê Chiêu Thống
I. AI NÊN ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY
Bộ sách “Góc nhìn sử Việt” hướng đến nhiều đối tượng độc giả rộng rãi, từ những người học tập và nghiên cứu cho đến những người có đam mê với lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Học sinh từ lớp 6 đã có thể đọc được.
II. TÓM TẮT SÁCH
Sau khi Đức ông Hoàng Trừ - Thái tử Lê Duy Vỹ bị chúa Trịnh bức hại, Lê Hoàng phi cùng ba con trai cũng bị cầm tù. Mười năm sau, một sự kiện nhỏ bao hàm trong một cuộc tình cờ lớn đẩy nước Việt Nam vào một cuộc loạn ly ròng rã tới một phần tư thế kỷ, đó là một cuộc đảo chính mà người đương thời gọi là "Kiêu binh nổi loạn" đã giải thoát Lê Hoàng phi cùng ba con một bước từ nhà ngục đến lầu vàng. Một trong ba vị hoàng tôn này là Lê Duy Khiêm - người sau này kế vị vua lấy niên hiệu Lê Chiêu Thống, từ đó cái vinh và cái lụy của chiếc ngai vàng hoàng đế bám riết lấy cuộc đời ông cho đến tận cuối đời.
III. CUỐN SÁCH CÓ GÌ ĐẶC BIỆT
Gánh trên vai cái tội cõng rắn cắn gà nhà, giờ thì bị người đời sau xem như kẻ bán nước mà lên án, vua Lê Chiêu Thống sống không yên mà thác cũng chẳng yên. Cha bị hại chết; chưa được hưởng trọn vẹn tuổi thơ êm ấm thì đã bị đẩy vào ngục, tròn mười năm, từ lúc còn là một đứa trẻ bảy tuổi đến khi trở thành thiếu niên mười bảy; rồi lại đột ngột được đưa lên ngai vàng. Nhưng vua dù ngồi trên đế vị thì cái ngai vàng ấy cũng chẳng khi nào là thực, quyền bính lúc thì trong tay kiêu binh, lúc thì dưới tên Yến Đô vương, khi lại rơi vào tay tướng Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhà vua hết sức xoay sở, nhưng dù có tâm mà không có lực nên đành giương mắt nhìn cơ đồ triều đại dựng xây hàng trăm năm lọt vào tay kẻ khác.
Những dòng viết về cuối đời vua là những câu chữ đau đớn nhất:
"Nhà vua ở đâu?
Một nơi rất xa xôi và chung quanh toàn là người lạ: lạ cả phong tục, ngôn ngữ lẫn y phục.
Nhà vua chờ gì?
Không gì hết. Vì cái hy vọng xin viện binh đã chết ỏ trong óc nhà vua ngay từ hồi bọn Lê Văn Trương phải đi đầy.
Tuy nhiên nhà vua vẫn phải sống, sống trong những ngày giờ phẳng lặng và không có màu sắc gì cả."
Vua thọ được 28 tuổi. Ngoài bảy năm đầu đời, Lê Duy Khiêm không lúc nào được yên. Mười năm trong tù. Mười năm lưu lạc. Nếu sinh ra trong một gia đình bình thường, cuộc đời vua chắc đã chẳng khốn khổ đến vậy. Đọc mà chỉ đành thở dài cho cuộc đời trôi nổi và đau thương của vua Lê Chiêu Thống, vị vua mà ngai vàng với ngài chẳng đem lại vinh mà chỉ toàn thấy lụy.
Độc giả Huyen Pham đăng ngày 30/12/2017
********
Tôi thích những cuốn sách thế này, khi những nhân vật phi anh hùng được chọn làm trung tâm. Người ta đã quá quen với những kỳ tích quân sự của Nguyễn Huệ và đi cùng với đó là sự đớn hèn của vua Lê chúa Nguyễn. Nhưng qua cuốn sách này, tôi nghĩ mình có thể cảm thông với hoàn cảnh và sự lựa chọn của Lê Chiêu Thống. Bắc Hà chao đảo, lòng người ly tán, Hữu Chỉnh nổi lên rồi chết, xung quanh toàn một lũ bất tài vô dụng, thử hỏi Lê Chiêu Thống có thể dựa vào ai? Chính bản thân chúng ta, nếu đặt trong bối cảnh xã hội và hoàn cảnh riêng của Lê Chiêu Thống, có ai dám chắc sẽ làm khác y không? Vì lẽ ấy, sự lựa chọn của Lê Chiêu Thống, dù tôi không ủng hộ nhưng vẫn phải thừa nhận là một sự lựa chọn rất con người. Cái chết uất ức vì bị lừa dối, khinh khi, nơi đất khách quê người, trong trang phục và hình hài của người phương Bắc đã là một cái kết xứng đáng cho sự lựa chọn ấy rồi. Không cần thêm bia miệng của ba trăm năm sau nữa đâu.
Độc giả: Nguyên đăng ngày 16/10/2015
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Phan Trần Chúc (1907-1946) là nhà văn Việt Nam thời tiền chiến. Theo các sách nghiên cứu ghi lại, chỉ biết ông được sinh ra ở tỉnh Thái Bình, nhưng sống ở Hà Nội.
Ông là chủ bút của tờ Việt cường, Tân Việt Nam... là một cây bút chuyên nghiệp, chuyên viết sách thuộc loại ký sự lịch sử, tiểu thuyết lịch sử.
Ông để lại một gia tài trước tác khá đồ sộ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi