“Khi mới bắt đầu thực tập chánh niệm, quý vị thường có cả ngàn câu hỏi. Nhưng trước khi tìm người khác để xin giải đáp thì hãy ngồi xuống với câu hỏi của mình. Quý vị sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng nhờ nhìn sâu và ôm ấp câu hỏi mà quý vị có thể tự trả lời hầu hết các câu hỏi của mình. Chúng ta có thói quen luôn hướng ngoại, nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp nhận tuệ giác hay từ bi từ một người khác, từ Bụt, từ lời dạy của Bụt (Pháp) hay từ Tăng thân. Nhưng mà quý vị là Bụt, quý vị là Pháp, quý vị là Tăng.
Mục đích của cuốn sách này không phải để giảng dạy đạo Bụt. Chất chứa kiến thức về đạo Bụt không giúp ta trả lời được những câu hỏi khẩn thiết. Chúng ta phải học những gì có thể giúp chuyển hóa khổ đau của chính chúng ta, tháo gỡ những tình huống ngặt nghèo của chính chúng ta.
Một vị đạo sư nếu là một vị đạo sư đích thực thì những lời giảng dạy của người phải giúp ta tiếp xúc với sự sống và giúp ta cởi bỏ thành kiến, ý tưởng cũng như tập khí. Mục đích của một vị đạo sư đích thực là giúp đệ tử của mình chuyển hóa. Một câu hỏi hay là một câu hỏi có thể giúp ích cho rất nhiều người. Chúng ta nên đặt những câu hỏi từ tận đáy lòng mình, những câu hỏi liên quan đến hạnh phúc, khổ đau, sự chuyển hóa và sự thực tập. Một câu hỏi hay không cần phải dài dòng. Thiền sư Lâm Tế là một thiền sư nổi tiếng ở Trung Quốc của thế kỷ thứ chín. Ông ta nổi tiếng vì những cuộc thi ề n chiến giữa thầy và trò. Một thiền sinh thường đứng lên hỏi một câu hỏi để xem thử mức hiểu biết của mình đã chín muồi hay chưa. Thiền sư Lâm Tế thường bắt đầu bằng câu: “Nào, có vị nào xuất trận thì ra đây”. Trong trận chiến ấy thiền sinh đôi khi thắng, đôi khi bại. Trong cuốn sách này những vị nêu lên câu hỏi không cần phải xuất trận. Trong một trận chiến sẽ có người thắng kẻ thua. Trái lại, tôi cố gắng nhìn sâu vào từng câu hỏi và từng người hỏi với tâm từ bi, như chính tôi là người đã nêu lên câu hỏi ấy. Điều này không có nghĩa là những câu trả lời sẽ nói lên được những gì mình muốn nghe. Chúng ta có xu hướng tránh né một mũi tiêm hay một viên thuốc đắng mặc dầu ta biết mũi tiêm hay viên thuốc đắng ấy giúp ta lành bệnh. Cũng thế, chúng ta thường tránh né những câu trả lời gợi lên những kinh nghiệm khổ đau của đời mình.
Đôi khi những câu trả lời trong nhà Thiền giống như những rào cản giúp chặn đứng dòng suy luận của thiền sinh. Suy luận không phải là chứng ngộ. Chứng ngộ nhanh hơn chớp nhoáng. Ở đâu có suy luận là ở đó có thất bại.
Đôi khi vị đạo sư phải trả lời theo cách mà thiền sư Lâm Tế gọi là đoạt cảnh. Nghĩa là khi một thiền sinh nêu lên một câu hỏi, nếu vị đạo sư dành hết thì giờ giải thích thì có khi chẳng giúp ích gì và vị thiền sinh vẫn còn bị kẹt trong suy luận và kiến chấp của mình. Thay vào đó, vị đạo sư gạt bỏ câu hỏi, bởi vì câu hỏi ấy rất có thể nêu lên một trở ngại không thật. Tôi thường đoạt cảnh để đưa câu hỏi về lại với thiền sinh.
Tôi hy vọng rằng nhờ những câu hỏi trong cuốn sách này mà hành giả có thể tìm được phương thuốc chữa trị rất cần thiết. Lời dạy của Bụt thường được gọi là viên âm. Nghĩa là lời dạy tròn đầy, phù hợp với mọi chúng sanh. Viên âm cũng có nghĩa là lời dạy thích hợp cho người nghe, có liên hệ trực tiếp với hoàn cảnh hiện thực của người nghe. Tham vấn là một cơ hội giúp ta thực tập khả năng lắng nghe với lòng rộng mở, sẵn sàng đón nhận trong trạng thái tĩnh lặng an nhiên. Lắng nghe như thế thì chắc chắn ta sẽ nhận được phương thuốc mà ta đang cần”.
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi