Thiện, Ác Và Smartphone
Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế! Qua những câu chuyện thời sự nóng bỏng, Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang phác họa sắc nét chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, khiến chúng ta rùng mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Những phân tích thấu đáo buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần tạo ra bức chân dung đó, để hủy hoại người khác và hủy hoại bản thân.
Giàu chất thời sự nhưng mang ý nghĩa vững bền, chạm tới từng góc khuất trong tâm can mỗi người nhưng đồng thời bao quát cả xã hội, cuốn sách mang tính xây dựng và tinh thần nhân văn sâu sắc.
Không dừng lại ở đó, tác giả chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn. Để luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.
Tác giả:
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội và tác giả phi hư cấu, viết về các chủ đề xã hội đương đại. Ông tiên phong trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, phá bỏ định kiến và kỳ thị. Ông nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, góp phần xây dựng một xã hội giàu lòng khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang có bằng kỹ sư tin học của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Nhận định:
“Tôi luôn thích cách đặt vấn đề của Đặng Hoàng Giang. Những góc nhìn rất đa dạng và khách quan của anh vào vấn đề của cuộc sống và xã hội ở Việt Nam chắc chắn khiến những người có lương tri và trái tim không khỏi suy nghĩ. […] Nếu chúng ta buông xuôi và chấp nhận, để những gì tiêu cực cuốn đi trong vòng xoáy của đời, hoặc cho rằng, đó không phải là việc của chúng ta, hoặc lên tiếng là vô ích, thực tại sẽ chỉ càng tồi tệ đi. Vậy nên, cần lắm tiếng nói của những người tử tế giúp chúng ta nhận chân sự thật và gợi ý cho chúng ta những giải pháp.”
- Nhà báo, tác giả Trương Anh Ngọc
“Tôi đặc biệt thích thú với những chương cuối trong cuốn sách. Nó mở ra những giải pháp và đặt vào tay người đọc những cơ hội thay đổi. Nó giúp mỗi chúng ta nhìn nhận rõ hơn sự khác nhau giữa phê bình và mạt sát, giữa lên án và sỉ nhục, giữa bản án của trái tim khoan dung và bản án của sự căm giận, giữa công bằng của pháp quyền và cái gọi là công lý của sự cuồng nộ.”
- TS. Nguyễn Phương Mai (tác giả Con đường Hồi giáo)
Mục lục:
Lời nói đầu
Phần một: “Nhân danh công lý!”
Phần hai: Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây
Phần ba: Bảy bước đi của căm ghét
Phần bốn: Giã từ văn hóa làm nhục
Phần năm: Ta nói gì khi nói về tha thứ
Phần kết: Dự án trắc ẩn
Lời bạt
Ghi chú
Trích dẫn hay:
“Trải qua các thế kỷ, dường như phản xạ chà đạp lên nhân phẩm của người phạm chuẩn và niềm tin vào tính chính danh của các hình thức trừng phạt mang tính lăng nhục vẫn dai dẳng tồn tại. Chỉ có hình thức làm nhục công cộng đã thay đổi, những trận đòn giữa chợ không mất đi, chúng được bổ sung bằng những trận ném đá trên mạng. Vết xăm trên mặt được thay thế bởi vết nhơ online. Nhưng có một điểm không thay đổi, chúng tồn tại như một lời mời cho kỳ thị và định kiến.”
“Cái chúng ta cần là nuôi dưỡng không phải là sự tức giận hay thù ghét, mà là khao khát muốn thay đổi, là đòi hỏi công lý không ngừng nghỉ. Căm giận khiến chúng ta muốn loại bỏ người làm ta giận. Khao khát thay đổi khiến chúng ta muốn chuyển hóa họ. Một trong những thành tựu và bí quyết thành công lớn nhất của Nelson Mandela là ông luôn luôn giữ được đối thoại với những kẻ đàn áp ông. Với ông, “kẻ đàn áp cũng cần được giải phóng, giống như kẻ bị đàn áp vậy.”
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi