Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ Canh tân 1875 - 1925
Sau khi chiếm được Sài Gòn và Nam kỳ làm thuộc địa, người Pháp nhanh chóng thiết lập và củng cố hệ thống hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy thương mại ở mảnh đất phì nhiêu và thuận lợi cho giao thông kinh tế, nằm giữa đường hàng hải nối Singapore và Đông Á (Hong Kong, Trung Hoa và Nhật Bản). Theo sắc lệnh ngày 4 tháng 4 năm 1867, đề đốc de la Grandière thiết lập một Ủy ban thành phố gồm một ủy viên thành phố và 12 nghị viên. Nhiệm vụ của Ủy ban thành phố này cũng giống như Hội đồng Thành phố sau này (12). Đến năm 1869, đề đốc Ohier muốn dân thành phố có tiếng nói nên ra sắc lệnh ngày 8/7/1869 với tên chính thức là Hội đồng Thành phố và 13 nghị viên trong đó 7 là do dân bầu và 6 do Thống đốc chỉ định, ông Turc, y sĩ hải quân, là thị trưởng đầu tiên.
Thực hiện mục đích này, các đời Thống đốc Nam kỳ trong giai đoạn đầu đã làm áp lực chính trị và ngoại giao tạo ảnh hưởng đến vương quốc Cam Bốt. Pháp đã thành công lập được sự bảo hộ ở Cam Bốt vào năm 1863 (chỉ vài năm sau khi làm chủ Sài Gòn) chủ yếu là do triều đình Cam Bốt bị nước Xiêm (Thái Lan) hùng mạnh đe dọa và dễ dàng muốn chịu ảnh hưởng của Pháp để thoát khỏi sự lấn dần của Xiêm.
Với Cam Bốt nằm trong vùng ảnh hưởng của chính quyền Pháp ở Sài Gòn, họ đã gởi các đoàn thám hiểm từ Sài Gòn đi ngược dòng sông Mê Kông lên Cam Bốt và Lào để cố gắng thiết lập đường giao thông đến Vân Nam, Nam Trung Hoa. Đoàn thám hiểm đầu tiên là Doudard de Lagrée lên Cam Bốt, và đã tìm lại được khu đền Angkor với những bức ảnh đầu tiên chụp tại đây. Đường đi lên Lào để đến Vân Nam đầy khó khăn vì quá nhiều ghềnh thác, nhiều người trong đoàn đã mất vì bệnh và đuối sức và chỉ một vài người (trong đó có viên sĩ quan trẻ Francis Garnier) chông gai đến được Vân Nam và trở về Sài Gòn qua đường biển.
Với ước mơ đường giao thông từ Sài Gòn lên Vân Nam biến mất, ở Sài Gòn người Pháp bắt đầu để ý đến miền Bắc Việt Nam kế cận Vân Nam và Nam Trung Hoa. Từ đây đến Vân Nam khả thi và dễ dàng hơn. Với ý nghĩ này, Pháp bắt đầu tìm cách gây hấn với triều đình Huế và tạo dịp để có chân ở Bắc bộ. Từ Sài Gòn, năm 1873 Pháp đã gởi một đội quân do trung úy hải quân Francis Garnier chỉ huy đi tàu đến Hà Nội lấy cớ bảo vệ thương gia Pháp Jean Dupuis đang có xích mích tại đây với chính quyền Việt Nam của triều đình Huế. Quân Garnier gây hấn đánh chiếm thành Hà Nội, nhưng sau khi Garnier bị tử trận, chính quyền Pháp ở Sài Gòn cùng triều đình ký hòa ước 1874.
Cuộc khởi nghĩa chống Pháp và tay sai lớn nhất trong giai đoạn Pháp đặt nền bảo hộ lên Bắc kỳ và Trung kỳ là cuộc khởi nghĩa của người dân 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn – Bà Điểm xảy ra vào năm 1885. Lợi dụng quyền thế của mình và được Pháp tin cậy, đốc phủ sứ Trần Tử Ca đã tham ô, áp bức dân lành, tước đoạt tài sản, đất đai người dân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự khởi nghĩa của người dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn và ngoại thành. Đây cũng là khởi đầu của sự tham gia các tổ chức hội kín Thiên Địa hội và tôn giáo mà 20 năm sau đã bộc phát với sự khởi nghĩa của Phan Xích Long.
Sự thiết lập đường dây thép nối Sài Gòn, các tỉnh ở Nam kỳ và Cam Bốt sau đó được lan ra Trung kỳ và Bắc kỳ cuối cùng đến Lào là công trình thiết lập cơ sở hạ tầng rất quan trọng cho thực dân Pháp để thông tin liên lạc từ trung ương đến các địa phương trong mọi công việc từ hành chính, ngoại giao đến kinh tế và quân sự. Không có hệ thống truyền tin nhanh chóng này, thực dân Pháp không thể quản lý và điều hành trên một lãnh thổ rộng lớn của Đông Dương với địa hình đa dạng và khó khăn đi lại.
Chuyển tiếp từ giai đoạn chiếm đóng của thời các Thống đốc đề đốc hải quân đến giai đoạn củng cố và xây dựng cơ sở hạ tầng và hành chính bắt đầu với sự bổ nhiệm Thống đốc dân sự đầu tiên Le Myre de Vilers (1879 - 1882). Ông Le Myre de Vilers đã thiết lập trong thời gian ngắn làm Thống đốc các công trình xây cất cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng từ các công sở đến đường bộ, đường thủy, đường sắt. Ở Sài Gòn, cơ sở hạ tầng cung cấp nước, cơ sở y tế và nghiên cứu khoa học như Viện Pasteur được thành lập và phát triển. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp nước cho một thành phố hiện đại ngày càng phát triển. Cung cấp nguồn nước sạch là điều kiện tiên quyết cho an toàn y tế công cộng mà trước đó các cơn bệnh dịch tả truyền nhiễm đã làm tử vong rất nhiều người Pháp, Việt, Hoa. Về phương diện kinh tế, Nam kỳ vẫn tùy thuộc vào sản xuất và xuất cảng lúa gạo mà các tỉnh miền Tây là chủ lực. Hệ thống giao thông qua sông và kinh rạch nối các tỉnh với Sài Gòn và Chợ Lớn là huyết mạch ở nơi này. Các kinh rạch được đào và các vùng đất mới thênh thang được mở mang với các lưu dân vào lập nghiệp. Nhưng điều này cũng dẫn đến những vụ tham nhũng chiếm đoạt đất của nông dân đến định cư của các quan lại, viên chức địa phương. Vấn đề đất đai và chiếm đất đã đưa đến vụ nổi dậy của người dân ở làng Ninh Thạnh Lợi (Rạch Giá) năm 1927 và vụ án ở làng Phong Thạnh (Bạc Liêu) năm 1928 còn được gọi là vụ án đồng Nọc Nạng.
Về phương diện hành chính và đại diện dân cử, ông Le Myre de Vilers thành lập Hội đồng Quản hạt (Conseil colonial) qua nghị định ngày 8/2/1880, và các Hội đồng hạt (Conseils d’arrondissement, Hội đồng quận ở địa phương) ngày 15/5/1882. Ở cấp thành phố, ông cải tổ Hội đồng Thành phố Sài Gòn và thành lập thêm Hội đồng Thành phố Chợ Lớn. Luật ban hành ngày 28/7/1881 theo đó Nam kỳ có một đại biểu ở quốc hội Pháp. Ông cũng bãi bỏ hệ thống lao động cưỡng bách (corvée) ở khắp Nam kỳ cho những người không đóng thuế thân mà ông cho là không có lợi về kinh tế và chính trị.
Qua thế kỷ XX, ở Sài Gòn, sự thành lập chợ mới Bến Thành thay thế chợ cũ biểu hiện cho sự phát triển đô thị với chợ mới Bến Thành trở thành trung tâm mua bán đủ loại các hàng hóa Tây, ta sau đó được truyền bá đi đến lục tỉnh qua mạng giao thông đường bộ và đường xe lửa thay thế giao thông truyền thống đường thủy theo kinh rạch. Người Việt nhận thấy sự cần thiết canh tân xã hội và tư tưởng, trong đó sự phát triển dân trí và kinh tế tự lực là tiền đề để giành lại độc lập. Phong trào Minh Tân do các trí thức đứng đầu là Gilbert Trần Chánh Chiếu khởi xướng mà trọng tâm là tự lực và phát triển công nghệ, thương mại của người Việt cạnh tranh với người Hoa, Pháp và Ấn để có sức mạnh kinh tế và tiếng nói trong lĩnh vực chính trị. Mặc dầu không tồn tại lâu nhưng phong trào Minh Tân đã tạo nên ý thức trong quần chúng về nhận thức của sự cần thiết phải canh tân theo tân học nhất là sau cuộc biến động của hội kín Phan Xích Long - Thiên Địa hội mang nhiều tính chất tôn giáo huyền thoại thu hút đông đảo người dân tương tự như cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc kỳ tin theo thần trí của Kỳ Đồng.
Sự thành lập của Viện Hải Dương học ở Nha Trang năm 1930 (tiền thân là “Service des Pêche de l’Indochine” thành lập năm 1922) với nhiều nhà khoa học khảo cứu về sinh học, tài nguyên biển, sông ngòi và hồ ở Đông Dương dùng các phương tiện hiện đại như tàu nghiên cứu de Lanessan đã cho ta nhiều công trình nghiên cứu giá trị đặc thù của Biển Đông và sông nước ở Đông Dương. Đặc biệt là các chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa và các công bố khoa học liên quan đến quần đảo này trong thập niên 1920 và 1930. Đây cũng là giai đoạn mà người Pháp chú ý đến vấn đề chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa sau khi xác định được chủ quyền lịch sử của Việt Nam qua triều đình Huế từ thời Gia Long. Xây dựng hải đăng trên đảo Pattle (Hoàng Sa) cho tàu bè các nước đi lại là một trong các hệ quả của sự xác định chủ quyền và đem quân đến chiếm đóng vào lúc chiến tranh Trung - Nhật diễn ra, trước sự đe dọa của Nhật lúc tình hình quốc tế ở Thái Bình Dương căng thẳng là những động tác thiết thực có tính cách chiến lược về chủ quyền.
Về phương diện văn hóa, sự hình thành và phát triển cải lương qua sự kết hợp của hát bội, đờn ca tài tử và ảnh hưởng sân khấu kịch Tây phương là sự kiện nổi bật của sân khấu nghệ thuật trong giai đoạn 1910 - 1925. Sự phát triển của báo chí và văn học quốc ngữ được thuận lợi qua sự hình thành của các nhà in, nhà xuất bản người Việt từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Văn học chữ quốc ngữ ở Sài Gòn và Nam kỳ từ cuối thế kỷ XIX cho đến thập niên 1920 mở đầu cho nền văn học hiện đại Việt Nam với nhiều tác phẩm phản ảnh sự thay đổi trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người Việt trong giai đoạn canh tân.
Về phương diện chính trị, hoạt động của người Việt chỉ giới hạn trong các Hội đồng Quản hạt, Hội đồng Thành phố và Hội đồng hạt ở các tỉnh nơi mà đa số các đại biểu hay nghị viên là thân Pháp. Sự thành lập của Đảng Lập Hiến do ông Bùi Quang Chiêu và các nhà trí thức Tây học, điền chủ, nghiệp chủ giàu có thành lâp. Sự tham gia chính trị của Đảng Lập Hiến tranh đấu cho quyền lợi người bản xứ thuộc giai cấp trung lưu và khá giả đánh dấu giai đoạn hợp tác ôn hòa với hy vọng quyền lợi người Việt được bảo vệ và sẽ có sự tự trị hay độc lập trong tương lai qua các cải tổ. Nhưng điều này đã không xảy ra như Đảng Lập Hiến mong mỏi và vì thế họ đã dần mất tín nhiệm dưới mắt người Việt.
Trích đoạn:
--- Trích tờ Le Petit Parisien (27/12/1909) cho biết các truyền đơn nổi dậy chống Pháp in ở Nhật đã được phát tán ở Nam Kỳ , và ông Gilbert Chiếu khi làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm đã cài vào báo tờ truyền đơn mà kiểm duyệt Pháp không biết nội dung do sự thiếu hiểu biết của quan chức Pháp. Tờ truyền đơn kêu gọi nổi dậy dược dịch ra tiếng Pháp như sau:
"Chúng ta là những người chủ đương nhiên của đất nước, nếu không giữ được đất nước, chúng ta sẽ không thể hưởng được quyền sở hữu ấy.
Hãy xem nước Phổ và Hoa Kỳ, họ cũng có những khó khăn, thất bại, nhưng họ đã phục hưng, canh tân lại đất nước bằng cách từ bỏ những thói quen của mình.
Trong lúc giải trí, tôi đọc sách lịch sử và nhận thấy người Nhật đã hoàn toàn thành công trong công cuộc cải cách của mình.
Bằng cách kết hợp tất cả các nỗ lực, họ đã tạo ra cho mình một chỗ đứng xứng đáng trên thế giới". ---
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi